Ngày 21/1/1968, 31 lính đặc công thuộc đội đặc nhiệm 124, Cục tình báo Trung ương Triều Tiên, được giao nhiệm vụ đột kích Nhà Xanh, Hàn Quốc, và ám sát cựu tổng thống Park Chung-hee. Mặc dù thất bại, nhưng sự kiện này đã trở thành một bài học xương máu cho chính quyền Seoul, về tính nguy hiểm của quân đội Bình Nhưỡng.
Việc ở cạnh một láng giềng nguy hiểm và khó đoán như vậy có thể khiến nhiều người lo lắng, nhưng dường như điều đó không xảy ra ở Seoul. Vậy lý do của thái độ thờ ơ này là gì?
Hoạt động mua bán ở Nandaemun, khu chợ lớn nhất nhì Seoul, vẫn diễn ra như thường lệ. Ảnh: Flickr |
Đe dọa, đe dọa và đe dọa
Với nhiều người Hàn Quốc, những lời đe dọa lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng suốt nhiều năm qua đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
"Việc này đã diễn ra suốt nhiều thập kỷ. Nó rõ ràng là một mô hình lặp đi lặp lại, vì thế chúng tôi không hề cảm thấy lạ lẫm trước tình hình hiện tại", Kim Young-hoon, trợ lý giáo sư tâm lý học, thuộc trường Đại học Yonsei, nói.
Ở chợ Nandaemun, trung tâm thành phố Seoul, các tiểu thương cho biết họ chẳng thấy ai đổ xô đi mua đồ tích trữ.
"Mọi người sẽ làm việc đó nếu họ thấy mối đe dọa đang gia tăng, nhưng cảm giác ấy không xuất hiện ở đây", ông Kim nói thêm.
"Triều Tiên là bạn"
"Chiến tranh Triều Tiên là một tấn thảm kịch", Park Jingseng, một bác sĩ tâm lý nổi tiếng của Hàn Quốc, nói. "Vì thế không ai muốn chiến tranh lại xảy ra một lần nữa. Đã có quá nhiều người phải ngã xuống vì nó. Những vết thương mà cuộc chiến trước kia từng gây ra vẫn chưa hề biến mất."
Việc thảo luận về chiến tranh vẫn là điều cấm kỵ, trong khi quan điểm rằng "Triều Tiên là bạn" vẫn tồn tại trong tâm trí những người từng sống dưới thời của "Chính sách Ánh dương".
Chính sách này được áp dụng suốt một thập kỷ, từ năm 1998, dưới thời cựu tổng thống Kim Dea-jung, nhằm tạo lập một mối quan hệ hữu hảo Hàn - Triều.
"Suốt thời gian đó, tất cả chúng tôi đều được dạy rằng: "Triều Tiên không phải kẻ thù", và họ cũng có chung nguồn gốc với chúng tôi", một người Hàn Quốc giấu tên 39 tuổi nói.
Binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP |
"Những ngày đi làm nghĩa vụ quân sự, tôi được đưa tới một căn hầm trú ẩn. Nhưng thứ chúng tôi được học, không phải các phương pháp chiến đấu, mà lại là thư pháp và yoga", anh nói thêm.
Thế hệ những người lớn lên dưới thời của Chính sách Ánh dương vẫn rất có lòng tin vào miền Bắc. Một số thậm chí còn cho rằng, thay vì đề phòng Bình Nhưỡng, chính phủ Hàn Quốc nên yêu cầu 28.000 lính Mỹ, những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ bán đảo Triều Tiên, về nước.
"Thậm chí tới ngày nay, rất nhiều người Hàn Quốc vẫn ủng hộ các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, vì nghĩ rằng những thứ vũ khí ấy một ngày nào đó sẽ trở thành của chung", công dân 39 tuổi nói trên cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Hàn Quốc đều mang trong mình niềm tin như vậy. Trong một tiệm cà phê ở thủ đô Seoul, một mudang, tiếng Hàn nghĩa là thầy bói, nói rằng thời gian gần đây các khách hàng của bà rất hay đặt câu hỏi về Triều Tiên, vũ khí hạt nhân và nguy cơ chiến tranh.
"Họ đến để nói về chuyện yêu đương, công việc, nhưng không quên đặt thêm một câu hỏi về Triều Tiên trước khi đứng dậy. "Liệu họ có tấn công chúng ta không?" và "Chiến tranh sẽ xảy ra chứ?" là những điều mà họ hay hỏi tôi", Chul Myung, bà thầy bói, cho biết.
"Tôi không nghĩ những điều ấy sẽ trở thành sự thật. Tôi bảo với họ rằng có lẽ Kim Jong-un chỉ đang muốn thể hiện bản thân một chút thôi."
Quỳnh Hoa (Theo Telegraph)