Một số vụ xa lạnh nổi tiếng gần đây thu hút sự chú ý của công chúng như việc Hoàng tử Harry rời khỏi hoàng gia, mối quan hệ của cựu diễn viên Mỹ Jennette McCurdy và mẹ qua cuốn hồi ký bán chạy I'm Glad My Mom Died hay ca sĩ Britney Spears từ mặt cha.
Giống như phong trào MeToo khuyến khích phụ nữ kể câu chuyện lạm dụng tình dục, các nghiên cứu mới về lạm dụng gia đình, rối loạn chức năng và sự ghẻ lạnh của cha mẹ với con cái trưởng thành đã thúc đẩy các cuộc thảo luận mới và vén màn chủ đề vốn nhiều cấm kỵ.
Nghiên cứu về sự ghẻ lạnh là tương đối mới nhưng cho thấy phổ biến hơn nhiều những gì mọi người nghĩ. Trong một nghiên cứu của Mỹ năm 2023 đăng trên Tạp chí Hôn nhân và Gia đình cho thấy 26% người trưởng thành xa lánh cha và 6% xa lánh mẹ. Những sự ghẻ lạnh này thường xảy ra mà không được thông báo hay giải thích, khiến cha mẹ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc.
Một nghiên cứu trước đó cho thấy 27% người Mỹ chủ động xa lánh ít nhất một thành viên trong gia đình.
Giải thích lý do đằng sau hiện tượng này, tiến sĩ tâm lý Avrum Weiss, tác giả của nhiều đầu sách về các mối quan hệ ở Mỹ, cho biết thế hệ Baby boomer được nuôi dưỡng bởi cha mẹ thuộc thế hệ Greatest generation - những người trưởng thành trong cuộc đại suy thoái và Thế chiến II. Nhìn chung họ có xu hướng nuôi dạy con cái theo cách truyền thống, độc đoán, trừng phạt bằng đòn roi và trẻ em thường sợ cha mẹ, đặc biệt người cha. Các bà mẹ thường xuyên đe nạt con rằng "chờ bố con về rồi xử".
Việc trẻ sợ cha mẹ không chỉ được bình thường hóa, mà còn được coi là một chiến lược thiết yếu để đảm bảo hành vi tốt ở trẻ. Khi con phạm lỗi, cha mẹ thường nghĩ do mình chưa nghiêm khắc. Từ phía những người con thế hệ Boomer cũng cho rằng sợ cha mẹ là một phần thiết yếu để trưởng thành có kỷ luật, nhân cách tốt.
Đến thế hệ Boomber, họ có xu hướng nuôi dạy con theo kiểu can thiệp nhiều vào cuộc sống, dẫn đến thuật ngữ "nuôi dạy con cái trực thăng". Những đứa con của thế hệ Boomer, tức thế hệ Millennial cũng cố gắng tạo ra các mối quan hệ bình đẳng hơn với con cái và không dùng "nỗi sợ" như một chiến lược dạy con. Thay vì trừng phạt những hành vi xấu, hai thế hệ này thường không thích xung đột với con cái và ngần ngại đặt ra những giới hạn. Họ thường dùng lý lẽ, cách nói chuyện làm chiến lược kỷ luật con cái.
Và có vẻ phần lớn thế hệ Millennial đã thành công nuôi dạy những đứa con không sợ mình. Nhưng một hệ quả là những người lớn lên từ sợ cha mẹ giờ lại đang sợ bị con cái ghẻ lạnh.
Do phong cách tránh xung đột, con cái của cha mẹ Millennial, tức Gen Z có ít cơ hội trải qua kiểu tức giận và thất vọng với cha mẹ, mà theo các nhà tâm lý đây là một phần quan trọng trong quá trình học cách giải quyết xung đột lành mạnh. Ở các thế hệ trước, mối quan hệ thứ bậc, độc đoán giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò như một lực lượng thống trị để ngăn chặn một số biểu hiện tức giận và thất vọng ở trẻ.
"Giờ cha mẹ hiện đại không dùng các cách đó nên không có gì trấn áp cơn thịnh nộ của trẻ em, thậm chí còn khiến các cơn thịnh nộ có xu hướng lan rộng hơn", Avrum Weiss nói.
Khi trưởng thành và tách biệt khỏi gia đình, có thể việc thiếu kinh nghiệm với sự tức giận, thất vọng và giải quyết xung đột lành mạnh khiến họ khó chấp nhận những cảm giác này. Cắt đứt quan hệ với cha mẹ có thể là một cách để chống lại những cảm giác tồi tệ mà họ đang gặp khó khăn trong việc chịu đựng và đổ lỗi cho cha mẹ đã tạo ra những cảm xúc đó. Trong những trường hợp cực đoan, họ có thể cắt đứt hoàn toàn với gia đình, nhằm giải tỏa những cảm xúc đầy thách thức đang trải qua.
Làm trầm trọng thêm tình trạng này, Avrum Weiss nói là những nhà trị liệu tâm lý trẻ tuổi. Họ có lẽ cũng ít có khả năng chịu đựng nghịch cảnh và những cảm xúc mạnh mẽ ở các bệnh nhân. Nên họ có xu hướng khuyên bệnh nhân bộc lộ cảm xúc, thay vì kiềm chế và chịu đựng. Và họ có xu hướng làm trầm trọng thêm cảm giác bất lực và tuyệt vọng của phụ huynh trong quá trình tư vấn, bằng cách khuyên nên chấp nhận tình trạng bị ghẻ lạnh này.
"Và vô tình những thế hệ trưởng thành từ nỗi sợ cha mẹ lại trở thành thế hệ sợ phật lòng con cái", Avrum Weiss nói.
Nhà trị liệu Susan Birne-Stone ở New York cho biết thêm cuối tuổi vị thành niên/đầu tuổi trưởng thành là thời điểm nhiều người lo lắng về thành công trong tương lai và khả năng tự định hướng cuộc sống. Đây cũng là thời điểm để bắt đầu điều chỉnh lại mối quan hệ cha mẹ và con cái. Và vì nhiều lý do, quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành tự lập thực sự của giới trẻ ngày nay trở nên khó khăn hơn. Nhiều người trẻ tin rằng đó là lỗi của người khác khi không cho họ sự chuẩn bị hoàn hảo đứng trước tương lai cuộc sống.
Xa lánh cha mẹ có lẽ là lựa chọn duy nhất với một người trẻ thiếu kỹ năng. Mặc dù đau đớn, cha mẹ vẫn có thể liên lạc với con theo cách khác. Hãy thường xuyên gửi một email đơn giản nói rằng yêu con hoặc vài dòng ngắn gọn chỉ chứa thông tin về gia đình. Một thông tin như vậy cho con biết rằng con vẫn có một vị trí trong gia đình của mình, ngay cả khi chúng chưa biết cách hoặc chưa sẵn sàng kết nối lại.
Bảo Nhiên (Theo Psychology Today)