Bài viết được bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy, tư vấn chuyên môn.
Vớ (tất) áp lực được đan dệt bằng chất liệu và kỹ thuật đặc biệt sao cho áp lực tác động lên chân phù hợp với trạng thái tự nhiên của chân, có nghĩa là bó chặt hơn ở cổ chân, lỏng dần khi lên cao và luôn ôm lấy chân.
Cơ chế của suy tĩnh mạch là dòng máu chảy ngược gây tăng áp lực tĩnh mạch. Mang vớ tạo nên áp lực tác động từ bên ngoài vào, cân bằng với tăng áp lực từ bên trong tĩnh mạch ra. Điều này làm giảm đường kính tĩnh mạch, giúp đóng kín các van tĩnh mạch nên làm giảm lưu lượng dòng máu chảy ngược. Bên cạnh đó, mang vớ còn làm tăng vận tốc máu tĩnh mạch về tim và giảm ứ máu vùng thấp ở chân.
Khi mang vớ, đa số triệu chứng đau và khó chịu, cũng như phù chân sẽ được cải thiện. Ở những người suy tĩnh mạch có loét chân, mang vớ phối hợp các phương pháp điều trị khác giúp nhanh lành vết loét. Người bệnh nên mang ban ngày khi đứng làm việc, và tháo ra khi nghỉ ngơi hay về đêm lúc đi ngủ.
Các loại vớ khác nhau về kiểu dáng, áp lực và kích thước. Lựa chọn loại vớ tùy thuộc từng giai đoạn, vị trí, mức độ lan rộng của bệnh, kích cỡ chân người bệnh. Vớ áp lực thấp được sử dụng trong phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch hoặc điều trị các giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ. Vớ áp lực cao thường dùng trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu hay suy tĩnh mạch mức độ nặng.
Tuy nhiên, mang vớ chỉ giúp cải thiện phần ngọn, làm chậm sự tiến triển của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, không thể chữa lành bệnh. Ngay khi tháo ra, tình trạng suy tĩnh mạch sẽ trở về trạng thái ban đầu. Hơn thế, với khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, mang vớ suốt cả ngày trong tuần là việc rất khó thực hiện.
Ở người cao tuổi, mang được vớ áp lực rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Người làm công việc nội trợ, những công việc thường xuyên tiếp xúc với nước cũng rất khó tuân thủ điều trị. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân bị nổi mẩn ngứa, bóng nước và sẹo thâm da ở vùng đùi do phản ứng dị ứng với thành phần silicon dùng để cố định phần trên của vớ với chân. Vì thế, chỉ dựa vào phương pháp mang vớ áp lực để điều trị bệnh suy tĩnh mạch chân là không đủ, mà cần phải kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác, tùy theo trường hợp cụ thể.
Lê Phương