Đó là câu hỏi một bệnh nhân ung thư đại tràng tái phát di căn gan và phổi dành cho tôi. Anh 60 tuổi, mới nghỉ hưu và thực sự rất sốc. Anh tâm sự với tôi, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi, lo lắng và tuyệt vọng, anh đã đạt được bao nhiêu thành tựu, cư xử đẹp, không làm gì trái với đạo đức, lương tâm, hơn nữa ăn uống lành mạnh, tại sao trời hành hạ mang đến cho anh bệnh quái ác.
Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, tôi đã nghe không biết bao nhiêu tâm tư, suy nghĩ như vậy, thậm chí có người cho rằng mình bị trời phạt vì việc sai trái đã từng làm trong quá khứ hay do nghiệp báo từ kiếp trước.Trên thực tế ai cũng có thể mắc ung thư, mọi lứa tuổi, giới tính, sắc tộc và thành phần xã hội. Ung thư xuất hiện ở mọi vùng địa lý từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền biển, hầu như mỗi xóm làng, dòng họ, cơ quan, đơn vị đều thấy có người mắc ung thư.
Nhưng nhìn chung đa phần ung thư xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy để hình thành, phát sinh bệnh. Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng cao hơn ở xã hội phát triển, nơi tuổi thọ người dân tăng cũng như liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hoá. Vậy những nguyên nhân, yếu tố nào gây bệnh ung thư?
Ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA của tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, thoát ra khỏi sự kiểm soát sinh lý bình thường, mất khả năng biệt hóa, xâm lấn cục bộ phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau. Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như: hút thuốc, uống rượu, nhai trầu thuốc, ít vận động, lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiễm trùng ví dụ: nhiễm vi-rút HPV gây ung thư cổ tử cung do sinh hoạt tình dục không an toàn, lây nhiễm vi-rút viêm gan B gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan do không tiêm phòng vắc-xin...
Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Càng nhiều tuổi, sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật càng giảm, thời gian tiếp xúc, tích lũy các yếu tố nguy cơ càng nhiều, ung thư càng dễ phát sinh. Rất may chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các yếu tố này, những nguyên nhân mà có thể nói nhân định không thắng được thiên, không dự phòng được.
Mặc dù khoa học đã xác định được các tác nhân, yếu tố nguy cơ gây ung thư nhưng trên thực tế hầu hết từng trường hợp cụ thể, bác sĩ khó đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong toàn bộ đời sống. Hơn nữa, một tác nhân có thể gây ra nhiều loại ung thư và một loại ung thư có thể do nhiều yếu tố gây ra.
Chính vì các bác sĩ không phải lúc nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân mắc ung thư chắc chắn, nên nhiều người tự đưa ra những lời giải thích riêng cho mình theo cách tâm linh để trả lời câu hỏi mình đã làm gì để dẫn đến mắc bệnh ung thư. Cùng với định kiến sai lầm mắc bệnh ung thư có nghĩa mang bản án tử hình dẫn đến hệ luỵ là bi quan quá mức, từ bỏ điều trị chính thống, tìm đến các phương pháp mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, dẫn tới tiền mất mà bệnh nặng thêm.
Mặc dù một số cơ chế bệnh sinh học ung thư còn chưa được làm sáng tỏ, căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu để chữa trị. Tuy nhiên có thể khẳng định ung thư là bệnh phần nhiều có thể phòng tránh được và các tiến bộ y học ngày nay cũng đã giúp chữa khỏi hoặc có thể kéo dài sống thêm đáng kể tuỳ loại ung thư và giai đoạn.
Nếu loại bỏ, tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, có thể phòng được ít nhất 2/3 bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng...
Câu hỏi "Tại sao lại là tôi?" hay ngược lại "Tại sao không phải tôi?" tôi nghĩ khoa học dù có tiến bộ như thế nào cũng chỉ có thể tiếp cận gần nhất chứ không đạt đến một câu trả lời tuyệt đối. Đây cũng là câu hỏi mang nhiều ý nghĩa triết lý, dù có cố gắng đến mấy một con người mà cuộc sống chỉ toàn niềm vui, hạnh phúc, thành công là không thể có.
Chúng ta đa phần như vậy, xen lẫn với thăng hoa của hạnh phúc, niềm vui, hy vọng bao giờ cũng có những sự cố, thậm chí một bi kịch, một tai nạn, một vực sâu của đau khổ, thất vọng mà không cách nào tránh hay lý giải được. Điều quan trọng chúng ta có thể làm là ứng phó, xử trí để thay đổi, cải thiện các biến động xấu, vượt qua khó khăn, thử thách.
Chính những chuỗi thăng trầm không ngừng này mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống cũng như hành trình truy tầm kiến thức trong khoa học khơi gợi niềm đam mê khám phá, mơ ước chinh phục bất tận.
Trần Văn Thuấn