Tôi chia sẻ thông tin về bảo hiểm ở Mỹ và lý do khách quan nhất khi người Mỹ không được chăm sóc y tế như người dân ở Việt Nam giữa dịch Covid-19.
Đầu tiên, ở Mỹ không thịnh hành các bệnh viện công giống như người dân Việt Nam có bệnh viện trực thuộc trung ương. Người dân đa phần sử dụng dịch vụ y tế ở các cơ sở nhỏ lẻ, phòng khám tư nhân.
Với bệnh nghiêm trọng, phức tạp hoặc cấp cứu mới vào các bệnh viện lớn. Đa phần các trung tâm y tế, phòng thí nghiệm, cơ sở chữa trị được vận hành bởi tư nhân, công ty, của chính các hãng bảo hiểm và của các trường đại học y như một hình thức kinh doanh độc lập. Chỉ khoảng 21% là của chính phủ nhưng không phải ở đâu cũng có. Đây là một thuận lợi cũng là bất lợi.
Thuận lợi vì là quỹ do sở hữu tư, tiền của sẽ dồn vào nghiên cứu và phát triển, thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ cạnh tranh. Đồng thời tạo điều kiện cho các bác sĩ mở phòng mạch tư theo hướng dịch vụ, nên các phòng khám rải rác, rộng khắp. 21% là có lợi nhuận và 58% là phi lợi nhuận (theo Hiệp Hội Bệnh Viện Mỹ AHA).
Bất lợi là vì người dân đa phần chỉ có thể tiếp cận các phòng khám lẻ, vật tư y tế cao cấp không tập trung. Ví dụ các bộ kit xét nghiệm coronavirus, không phải phòng khám nào, phòng lab nào cũng có.
>> Người Nhật gặp khó mùa dịch Covid-19 vì 'quá chăm làm'
Từ đạo luật Obamacare, bảo hiểm sức khỏe đã trở thành luật, nâng cao tỉ lệ người được bảo hiểm. Từ đầu năm 2019 đã không còn là bắt buộc ở mức độ liên bang, nhưng một số bang vẫn yêu cầu mọi người phải có bảo hiểm.
Obamacare dành cho những người có thu nhập thấp. Với mức cá nhân năm 2019 cho một người là thu nhập dưới 12.000 đôla, gia đình 4 người thì thu nhập dưới 25.000 đôla, thì bạn được xác định là hộ nghèo và có thể mua Obamacare.
Với người cao tuổi, tàn tật, không có khả năng lao động thì liên bang có Medicare. Dựa vào đó, nếu bạn đã đi làm, có công việc, cho dù là thu nhập thấp thì bạn có Obamacare, còn thu nhập cao hơn bạn cũng đã có thể tự mua bảo hiểm.
Bảo hiểm có nhiều gói, nhiều mức giá khác nhau, khác mức chi trả và tiền co-pay. Ví dụ bảo hiểm trả 70, 80, 90%, bạn trả phần còn lại. Nếu bạn chọn gói giá rẻ, phần trăm bảo hiểm chi trả ít thì bạn phải trả cao hơn. Mặc dù vậy, ít nhất bạn cũng đã có bảo hiểm. Bảo hiểm còn có khái niệm là maximum pay-out, tức là nếu bạn có vấn đề nghiêm trọng, cần phải nhập viện, điều trị kéo dài, phục hồi chức năng, bạn chỉ trả tới mức maximum pay-out đó thôi, còn lại bảo hiểm lo hết phần còn lại.
Người đi làm còn có thể mua được bảo hiểm thông qua nơi làm việc nếu làm ở doanh nghiệp lớn (rẻ hơn tự mua, và bạn có thể mua cho cả gia đình). Doanh nghiệp từ 50 công nhân trở lên bắt buộc phải mua bảo hiểm sức khỏe cho công nhân làm toàn thời gian (fulltime, 40 tiếng một tuần) hoặc phải đóng phạt (theo luật từ năm 2015). Người trong quân đội luôn có bảo hiểm.
Du học sinh bắt buộc phải mua bảo hiểm thông qua trường. Người làm công việc nghiên cứu, bổ sung kỹ năng dạng trao đổi cũng phải mua loại đó. Sinh viên quốc tế tốt nghiệp đang trong OPT (thời hạn cho phép ở lại đi làm 1-3 năm sau khi tốt nghiệp tùy ngành), miễn là còn ở lại học tập, rèn luyện hợp pháp đã có thể mua bảo hiểm. Bảo hiểm thông qua việc học tập - mua qua đơn vị giáo dục rất rẻ.
Theo Huffpost, hơn 50% cư dân có bảo hiểm thông qua nơi làm việc, số còn lại là có các chương trình hỗ trợ và tự mua. Chỉ khoảng 10% là không có bảo hiểm. Đa phần người dân mua bảo hiểm loại HMO, dạng bảo hiểm dùng trong vòng một mạng lưới y tế, với các văn phòng bác sĩ, cơ sở y tế có hợp tác.
Người dân khi bệnh sẽ lấy hẹn, đến các văn phòng, cơ sở trong mạng lưới để khám chữa bệnh. Trừ trường hợp khẩn cấp phải nhập bệnh viện gần nhất thì đi đâu cũng được, bảo hiểm chi trả sau.
Vì cách vận hành các phòng khám là phải lấy hẹn, không phải cứ bước vô bệnh viện lấy số xếp hàng là được khám. Nên người ta bị bệnh vặt như cảm, đau họng, sốt, đau cơ... miễn không phải chấn thương, tai nạn, có thể tự ra hiệu thuốc mua thuốc over-counter (thuốc không cần đơn bác sĩ) cho những bệnh lặt vặt. Họ chỉ đi khám khi vấn đề trở nên trầm trọng hơn, trầm trọng nữa thì gọi cấp cứu nhập viện.
Nên việc khám bệnh thường chỉ khi họ cảm thấy khó hồi phục, trong dịch coronavirus thì điều này nguy hiểm vì họ có thể lây lan ngay cả khi không có triệu chứng, và chỉ nhập viện khi đã trở nặng.
Theo như một số ý kiến, đúng là sự thật rất nhiều người trốn thuế, khai nghèo để hưởng bảo hiểm Obamacare giá rẻ, đặt gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội của Mỹ. Nên chương trình hỗ trợ bảo hiểm nhấn mạnh là bạn phải đi làm, bạn phải là người lao động, thu nhập bạn thấp thì bạn được giảm thuế và mua bảo hiểm giá rẻ. Nếu bạn là người già, người tàn tật, không có khả năng lao động thì bạn sẽ có Medicare. Nhưng nếu bạn không đi làm, bạn không thể mua bảo hiểm và hệ thống bảo hiểm giá rẻ (vốn lấy từ nugoonf thuế liên bang) không thể tài trợ cho bạn.
Những người không có bảo hiểm: Một là họ thậm chí không muốn mua, nghĩ rằng họ không cần mua bảo hiểm. Hai là họ không thể trả tiền co-pay vì không đi làm, chỉ muốn nhận trợ cấp. Ba (chiếm phần lớn nhất) là họ là dân nhập cư không giấy tờ, ở lậu bất hợp pháp. Bốn là những người vô gia cư (mà đã vô gia cư thì thường là nghiện rượu, nghiện ma túy, lạm dụng rượu và ma túy đến mức mất khả năng lao động, thần kinh không còn minh mẫn).
Còn lại là các trường hợp lẻ như rơi vào ngay giữa khoảng xác định thu nhập, độ tuổi, các yếu tố khác có hợp lệ để mua bảo hiểm hay không. Tôi có người thân nhập viện cấp cứu, hóa đơn gửi về 12.000 đôla nhưng chỉ phải trả 325 đôla tiền co-pay, còn lại bảo hiểm lo hết. Giường kế bên là một người nghiện sốc vì rượu, với các trường hợp đe dọa tính mạng khẩn cấp như vậy, bệnh viện cứ cứu trước rồi gửi hóa đơn sau.
Bệnh viện không bắt bạn trả một lần ngay lập tức, mà có thể trả góp định kỳ. Hoặc bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng CareCredit để trả trước với lãi suất rất thấp dành riêng cho việc chi trả cho sức khỏe. Hoặc tiền nợ có thể được khấu từ vào tiền thu nhập (bệnh viện sẽ liên hệ nơi làm việc để giữ lại một phần lương). Nếu bạn là người hoàn toàn nghèo, không có nhà, không có xe, bệnh viện cũng phải cứu chữa và không làm gì được bạn.
Con số khoảng 28 triệu người không có bảo hiểm ở Mỹ là đã giảm từ 44 triệu từ năm 2008 với đạo luật Obamacare. 28 triệu người chỉ chiếm 10% cư dân đang sống ở Mỹ. Đây là những điều tôi biết và tìm hiểu về bảo hiểm Mỹ.
Tóm lại, phần lớn người ở Mỹ có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm có nhiều mức giá cho bạn chọn lựa theo khả năng. Số còn lại hoàn toàn không có bảo hiểm thường là do không đi làm, thu nhập ngay ngưỡng xác định đủ điều kiện mua bảo hiểm giá rẻ hay không, và nhiều nhất là người không có giấy tờ hợp pháp.
Hệ thống y tế Mỹ hiện lúng túng với dịch coronavirus là do không thịnh hành các bệnh viện công cộng, các bộ xét nghiệm không đáp ứng đủ số phòng khám lẻ trong mạng lưới bảo hiểm. Người dân chỉ đi khám bệnh khi bệnh đã trở nặng vì họ quen tự mua thuốc over-counter, Covid-19 lại có triệu chứng tương tự cúm mùa vốn rất phổ biến, khi đã nặng thì lại khó cứu.
>> Bài viết cùng tác giả: Nuôi chó văn minh
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.