Ngày 24/11, trả lời VnExpress, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết đây là dự thảo thông tư hướng dẫn khung giá, để các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung, chứ không phải mức thu.
Dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp đang trong giai đoạn xin ý kiến để bổ sung, chỉnh sửa. Nếu được thông qua, khung giá dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023. Theo đó, giá giường dịch vụ được phân cấp dựa vào hạng bệnh viện và loại phòng bệnh. Giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tối đa là 3 triệu đồng một ngày cho loại phòng có một giường. Cùng hạng bệnh viện, phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
"Dự thảo đưa ra rất nhiều mức giá giường dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân. Giường giá 3 triệu là phòng tiêu chuẩn, có nơi cho gia đình sinh hoạt, cung cấp dịch vụ y tế 24/24, có người phục vụ, có ăn uống... nên không thể so giá phòng bệnh với khách sạn", đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính giải thích, thêm rằng các cơ sở y tế đầu tư tương xứng với từng mức thu.
Ông Tôn Văn Tài, Phó Phòng Tài Chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng không thể so sánh giá phòng bệnh với giá khách sạn, "vì bệnh nhân ở bệnh viện sẽ nằm 24/24 trong phòng với các điều kiện máy lạnh, điện, nước, nhân viên y tế túc trực phục vụ".
Một giám đốc Bệnh viện hạng 1 của Hà Nội lý giải "phòng khách sạn chỉ để ngủ, còn giường bệnh viện có rất nhiều máy móc, nhân lực phục vụ đi kèm". Theo bác sĩ này, giá ngày giường với một bệnh nhân phải điều trị tích cực, 3 triệu đồng/giường (mức tối đa) có thể còn thấp hơn giá thực tế nếu tính chi tiết - tức vấn đề tính đúng tính đủ. Vị giám đốc cho hay trên thế giới giường hồi sức tích cực (ICU) có nơi lên đến 10.000 USD, có tích hợp máy móc.
Khảo sát hôm 21/11 của VnExpress với 4.498 người tham gia, trong đó 64% ý kiến cho rằng giá giường dịch vụ 3 triệu đồng là cao, 4% đánh giá là thấp, 32% cho rằng giá không hợp lý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng mức giá 3 triệu đồng một phòng bệnh là ngang giá khách sạn 4 sao.
Lo ngại "dịch vụ hóa" bệnh viện công
Thực tế, các bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh yêu cầu theo luật và nghị định nhưng chưa có hướng cụ thể, mỗi nơi thu một giá khác nhau. Bộ Y tế giải thích khung giá mới "nhằm siết chặt lại chứ không cho phép thực hiện ồ ạt". "Có những đơn vị hiện thu giá cao hơn so với khung trong dự thảo, cần phải khống chế xuống", người đại diện nói.
Một số ý kiến lo ngại áp dụng loại hình dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công có thể dẫn đến "dịch vụ hóa", "tư nhân hóa" viện công, dẫn đến bất bình đẳng giữa bệnh nhân nghèo và giàu. Như TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, lo khi đưa ra hai loại hình y tế trong một bệnh viện công, tất cả nguồn lực sẽ bị kéo sang bên dịch vụ theo yêu cầu, kể cả máy móc và nhân lực bởi "những thứ tốt nhất thường sẽ dành cho người có khả năng chi trả". "Vậy việc khám chữa bệnh liệu có đảm bảo cho nhóm bệnh nhân còn lại?", bà Thu Anh đặt vấn đề.
Theo bà, bệnh viện công vốn là bệnh viện phi lợi nhuận, phục vụ nhiều đối tượng bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân nghèo, người thuộc chính sách xã hội, người yếu thế. Do đó, nếu sử dụng nguồn lực công, cần hạch toán chi trả lại để mảng dịch vụ công có thể tái đầu tư và nâng cao chất lượng chăm sóc cho cộng đồng.
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết theo quy định, số giường dịch vụ ở bệnh viện công chỉ chiếm 10-15% tổng số giường bệnh, "chứ không phải thích kê thêm thì kê". Như vậy, 85-90% giường phục vụ nhiều nhóm bệnh nhân, với những mức giá khác nhau phù hợp nhu cầu.
Ngoài ra, dự thảo này chỉ tác động đến nhóm khám chữa bệnh theo yêu cầu, không ảnh hưởng đến người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Nhóm dịch vụ chỉ chiếm 5-10% và tập trung tuyến trung ương, tuyến tỉnh là chính, tuyến huyện hầu như không có, theo Bộ Y tế.
Bài toán tính đúng tính đủ viện phí
Ông Tài đánh giá dự thảo này cho phép các bệnh viện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ theo yêu cầu. Có khung giá, các bệnh viện có điều kiện nâng cao chất lượng, phát triển cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng dự thảo cần quy định cụ thể hơn, chẳng hạn cách tính khấu hao tài sản cố định là theo quy định hiện hành hay cơ sở khám chữa bệnh sẽ được tự quyết định; chi phí duy tu bảo dưỡng trang thiết bị được tính bao nhiêu phần trăm một năm...
Hoặc, cơ sở y tế công lập sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, có phải thực hiện theo quy định định mức số ca/máy/ngày theo Thông tư 39 ban hành năm 2018 của Bộ Y tế hay không. Dự thảo cũng chưa hướng dẫn các chi phí như giá thương hiệu, thời gian sử dụng dụng cụ, dự phòng rủi ro, tích lũy...
"Khi viện phí được tính đúng, tính đủ, bệnh viện có điều kiện phát triển tốt hơn, người bệnh dù nghèo hay giàu cũng sẽ được hưởng lợi về chất lượng khám chữa bệnh", ông Tài nói, thêm rằng người bệnh có khả năng, có điều kiện thì có thể lựa chọn các dịch vụ đi kèm tốt hơn về phòng ốc, các tiện nghi.
Bảo vệ quan điểm của mình, TS. Thu Anh cho rằng tính lại giá dịch vụ y tế "là cần thiết". Thời gian qua, các bệnh viện phản ánh giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, viện không đủ kinh phí để trả lương nhân viên y tế và các chi phí vận hành khác. Tuy nhiên, theo bà, dự thảo này vẫn không giải quyết được vấn đề của ngành y tế. "Các vướng mắc của ngành y cần một giải pháp tổng thể để thay đổi cơ chế và phương thức quản trị tài chính nhằm đạt tiêu chí hiệu quả, minh bạch và công bằng", bà nói.
Đặc biệt là tại cơ sở y tế công, bà cho rằng cần phân biệt hai phương thức vận hành riêng biệt. Một là các dịch vụ y tế công do ngân sách nhà nước đầu tư nhằm phục vụ mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, bao gồm cả người nghèo, người sống ở vùng sâu vùng xa, người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế khác. Hai là các dịch vụ y tế theo yêu cầu với giá cao hơn dành cho người có khả năng chi trả, là loại hình nào thì cũng cần đạt chuẩn chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
Quan điểm của bà Anh là loại hình dịch vụ y tế theo yêu cầu tại viện công cần vận hành theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán riêng, tự cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân. "Chứ không thể lấy đất, trang thiết bị, máy móc, nhân lực của phần công ra để làm phần tư", bà nói. Đồng thời, cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy khối y tế tư nhân phát triển theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh và công bằng với khối y tế công cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, đảm bảo giá thành dịch vụ là hợp lý.
Bà cũng nêu thêm, dự thảo thông tư quy định giá phòng một giường 3 triệu, song không nêu rõ "phòng này có gì, phục vụ như thế nào", vậy căn cứ vào đâu để tính ra giá này. Khi bệnh viện thu tiền dịch vụ về thì tiền đó được sử dụng như thế nào, cũng cần phải minh bạch.
Ở nước ngoài, thay vì tính từng giá dịch vụ như xét nghiệm, siêu âm, truyền dịch... bệnh viện tính chi phí của từng loại bệnh, nhóm bệnh. Ví dụ, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên giá để khám chữa ngoại trú là 200.000 (đây chỉ là con số ví dụ), bệnh viện sẽ khám chữa để người dân chỉ trả bằng số tiền này, không thêm chi phí khác và phải tự hạch toán để đảm bảo việc chỉ định xét nghiệm, điều trị vừa đúng, vừa đủ, vừa không vượt tổng thu nhập (là định mức chi x số bệnh nhân khám chữa nhóm bệnh này).
"Đây là phương pháp DRG, được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước đang phát triển. Việt Nam cũng đã thí điểm phương thức này nhưng không rõ vì sao hiện không được áp dụng. Phương thức chi trả này sẽ tạo động lực cho các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả và tự chủ", bà nói.
Theo bà Thu Anh, người giàu hay người nghèo cũng có thể mắc bệnh giống nhau, người nghèo cũng có quyền được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng tiêu chuẩn, với chi phí hợp lý, "đây là trách nhiệm của nhà nước". Nếu tăng giá dịch vụ mà quản trị không hiệu quả, sử dụng nguồn lực công để cung cấp dịch vụ tư thì vẫn không giải được bài toán nhức nhối của ngành y, sẽ làm cho khối y tế công phục vụ cộng đồng dần biến mất. Người thiệt thòi nhất vẫn là người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Lê Nga - Lê Phương