Đây là mức giá được đề xuất trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Dự thảo đang được Bộ Y tế xây dựng, xin ý kiến, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế..., tối đa 300.000 đồng/lần khám.
Các cơ sở y tế khác giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng một ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường. Giá còn 1,7 triệu, 1,2 triệu, 900.000 đồng cho các loại phòng có 2, 3, 4 giường. Ở các tỉnh còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng một giường, giảm dần còn 1,2 triệu, 800.000-600.000 đồng cho các loại phòng 2, 3, 4 giường.
Giá giường điều trị ban ngày do bệnh viện quyết định nhưng không quá 50% giá giường điều trị nội trú.
Hiện nay, các cơ sở y tế công lập áp dụng giá khám, tiền giường dịch vụ khác nhau do chưa có khung giá từ Bộ Y tế. Cụ thể, giá phòng dịch vụ từ 700.000 đồng đến 2,5 triệu đồng một giường mỗi ngày đêm. Như Bệnh viện Bạch Mai, phòng hai giường giá một triệu đồng/giường/đêm, ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phòng một giường giá hơn 2 triệu/đêm. Như vậy, giá giường nằm đề xuất trong dự thảo mới cao hơn khoảng một triệu đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.
Về chi phí khám, có bệnh viện tại Hà Nội đang áp dụng 4 mức giá khám bệnh theo yêu cầu, như giáo sư khám giá 550.000 đồng, phó giáo sư khám 450.000 đồng, tiến sĩ khám thì 350.000 đồng, còn thạc sĩ khám giá 250.000 đồng.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế xây dựng thông tư về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu. Năm 2019, Bộ Y tế xây dựng một dự thảo tương tự, với giá giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một tối đa 4 triệu đồng/ngày, giá khám cao nhất 500.000 đồng/lần; các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, mức tăng này ảnh hưởng tới giá chỉ số tiêu dùng, do đó Chính phủ không phê duyệt khung giá này. Sau đó, khung giá tiếp tục bị hoãn ban hành do Covid-19 bùng phát và Chính phủ yêu cầu không tăng giá dịch vụ y tế.
Đến tháng 6 năm nay, Chính phủ cho phép tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, gồm giá bảo hiểm và không bảo hiểm, giá khám theo yêu cầu. Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xây dựng phương án giá phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, viện phí bảo hiểm y tế lạc hậu, không có khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện gặp khó khăn về tài chính, không đủ giữ chân nhân lực y tế. Một chuyên gia đánh giá khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được xây dựng nhằm thêm hướng dẫn, pháp lý để các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ y tế cao cấp, từ đó có chế độ đãi ngộ nhân viên phù hợp.
Theo chuyên gia này, dự thảo đưa ra rất nhiều mức giá giường dịch vụ, từ vài trăm nghìn cho đến 3 triệu đồng một giường, để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân. Nhiều bệnh viện tư hiện nay đã áp dụng giá phòng từ vài ba triệu đến cả chục triệu đồng. Bệnh nhân điều trị tại đây có thể mời chuyên gia cao cấp từ các bệnh viện khác đến khám hay phẫu thuật, điều trị. Chuyên gia này kỳ vọng khi có cơ chế, bệnh viện công hoàn toàn có thể thực hiện dịch vụ y tế cao cấp tương tự viện tư nhân.
Mặt khác, ngày càng nhiều người tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được bảo hiểm chi trả với mức cao nên cần có dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh chất lượng cao. Người bệnh không phải ra nước ngoài khám chữa sẽ giảm chi phí, mang lại nguồn thu cho bệnh viện trong nước.
Lê Nga