Vào 20/4/2016, Ủy ban Châu Âu (EU) kết thúc cuộc điều tra kéo dài một năm nhắm vào hệ điều hành Android của Google. Kết quả, gã khổng lồ tìm kiếm đã vi phạm chính sách chống độc quyền của EU. Ủy ban sau đó đã gửi kết quả đến Google và Alphabet (công ty mẹ của Google) đồng thời ban hành quy định chính thức để xử lý hành vi này.
EU cho rằng, Google đang nắm giữ vị trí thống trị tại nhiều thị trường và công ty đã dùng vị thế này để bóp méo cạnh tranh, trong đó có động thái ép các nhà sản xuất thiết bị cài đặt sẵn Google Search và trình duyệt Chrome. Bên cạnh đó, Google cũng khóa chợ ứng dụng Google Play với những công ty sử dụng các phiên bản thay thế của Android. EU cũng cho rằng Google đã trả tiền bất hợp pháp cho các nhà sản xuất thiết bị số, thiết bị di động để họ sử dụng độc quyền công cụ tìm kiếm của công ty.
Quy định mới của EU ban hành nhằm điều tiết lại thị trường tìm kiếm nói chung, cũng như việc giải quyết các tranh chấp trên các nền tảng mã nguồn mở nói riêng. Tuy nhiên, Google lại lập luận rằng, Android là một hệ sinh thái mã nguồn mở, có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể phát triển các sản phẩm liên quan tới nó. Hãng cũng đặt ra câu hỏi với EU rằng: tại sao là chúng tôi mà không phải là Apple?
Tháng 5/2010, EU thông báo rằng họ đang điều tra mảng tìm kiếm trực tuyến của Google vì cho rằng công cụ tìm kiếm này ưu tiên các trang web riêng của mình hơn so với các đối thủ cạnh tranh, như Yelp. Cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành trong thời gian 5 năm, EU đã yêu cầu Google thay đổi thuật toán tìm kiếm nhằm đảm bảo các website đều được đối xử công bằng trong kết quả hiển thị.
Sau đó, vào tháng 4/2015, EU đã chính thức có kết luận điều tra chống lại Google nhưng lúc này, “tội trạng” giảm đi nhiều so với những cáo buộc hồi năm 2010. Tuy nhiên, EU cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra công cụ tìm kiếm của Google trong tương lai.
Trên nền tảng Android, Châu Âu đang cố gắng kiểm soát nỗ lực của Google trong việc di chuyển sức mạnh tìm kiếm của công ty từ máy tính để bàn sang điện thoại di động cũng như thiết lập các tiêu chuẩn cho việc cạnh tranh trên nền tảng mới này. Nói cách khác, trong quá khứ, EU truy xét việc tìm kiếm theo địa chỉ (2010) thì giờ đây họ đang cố gắng kiểm soát hành vi cạnh tranh trong phần mềm điện thoại di động, nơi thị phần của Android vượt xa Apple.
EU cho biết, Google nắm giữ thế độc quyền ở 3 thị trường là dịch vụ tìm kiếm, cấp phép cho smartphone chạy Android và Google Play. Ủy ban chỉ ra rằng, khi Google yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại cài đặt Google Search và Chrome nếu muốn truy cập vào Google Play, họ đã lợi dụng sự thống trị của mình ở lĩnh vực chợ ứng dụng Android để tăng thêm vị thế của mảng tìm kiếm trên cả máy tính để bàn lẫn thiết bị di động.
Đây không phải là phản ứng đáng ngạc nhiên của EU trong việc bảo vệ cạnh tranh. Họ muốn bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, đồng thời ngăn chặn một công ty sử dụng sự thống trị của mình để bóp méo tính cạnh tranh trên thị trường. Một công ty liên kết các sản phẩm của mình để thúc đẩy một sản phẩm chủ đạo khác phải hiểu rằng hành vi này sẽ bị điều tra chống độc quyền.
Theo The Verge, EU đang tin rằng Google bắt đầu hạn chế tính cạnh tranh trên Android một cách trực tiếp hơn khi buộc các đối tác ký hiệp định "chống phân mảnh" nếu muốn cài đặt các ứng dụng độc quyền của Google. Đây là thỏa thuận ngăn chặn các công ty sản xuất thiết bị di động phân nhánh sản phẩm của mình.
Liên quan đến vấn đề phân mảnh, năm 2004, EU đã buộc Microsoft phát hành các phiên bản Windows có và không có Windows Media Player (WMP) trong nỗ lực ngăn chặn gã khổng lồ phần mềm chuyển sự thống trị từ lĩnh vực máy tính để bàn sang các phương tiện truyền thông mới. EU bỏ phiếu ủng hộ việc phân mảnh mặc dù biết rằng giá bán Windows có WMP sẽ đắt hơn. Họ cho rằng cạnh tranh không nhất thiết phải rẻ.
Khi EU điều tra Google vào năm 2010, vị trí dẫn đầu trên thị trường di động vẫn còn đang thuộc về Nokia và Symbian. Nhưng hiện tại, đều này đã thay đổi hoàn toàn và EU cũng đã không còn quá "mặn mà" với Microsoft nữa. Còn với Apple, Android hiện thống trị trên thị trường, nếu so sánh với iOS hay các nền tảng khác về số lượng thì quả thực là “một trời một vực”. Do đó, nếu chống độc quyền, EU vẫn hiểu Google thực sự là mục tiêu lớn cần ngăn chặn hơn so với Apple.
Bảo Lâm