Trước khi trả lời quý độc giả vì sao dùng từ "đào" để chỉ việc kiếm tiền mã hoá, tôi xin đề cập qua khái niệm tiền điện tử là gì.
Đây là loại tiền được tạo ra bằng cách sử dụng công nghệ mã hóa để trao đổi giữa các máy tính (thiết bị điện tử) với nhau. Tiền mã hóa được lưu trữ vào sổ cái công cộng với công nghệ blockchain để người dùng có thể nhìn thấy giao dịch diễn ra thật hay không. Đặc tính của tiền mã hoá là phi tập trung. Nó được giao dịch, trao đổi một cách trực tiếp mà không phụ thuộc vào các đơn vị trung gian như ngân hàng.
Tiền mã hoá được ví như "vàng kỹ thuật số" vì có một số đặc tính tương tự kim loại quý, nên được gọi là "đào" (mining) - thuật ngữ gắn với hoạt động khai thác vàng, bạc, đá quý.
Đặc tính đáng chú ý nhất là tính giới hạn, giống như kim loại quý trên trái đất cũng có hạn về số lượng và càng ngày càng khó khai thác. Tiền mã hoá bị giới hạn về nguồn cung. Ví dụ Bitcoin - tiền mã hoá phổ biến nhất - chỉ có 21 triệu đơn vị. Theo dữ liệu từ BTC.com, tính từ ngày 9/1/2009 đến 13/12/2021, đã có 18,89 triệu Bitcoin được khai thác, tương đương 90% nguồn cung. Cũng giống vàng, bạc, khai thác càng nhiều, độ hiếm càng tăng. Với tiền mã hoá, độ khó được tính bằng hashrate (tỷ lệ băm).
Dù chưa được công nhận rộng rãi trên thế giới, nhiều người đã tìm đến tiền mã hoá, nhất là Bitcoin, làm kênh trú ẩn kinh tế, như nhiều người mua vàng tích trữ. Sự tương đồng khiến thuật ngữ khai thác Bitcoin nói riêng và tiền mã hoá nói chung được gắn với từ "đào".
Tuy nhiên khác với việc đào vàng bạc bằng công cụ truyền thống, Bitcoin được khai thác bằng cách sử dụng máy tính kết nối mạng để chạy một phần mềm và nhận về các phần thưởng bằng Bitcoin. Máy tính càng mạnh, phần mềm hoạt động càng nhanh và cơ hội đạt phần thưởng càng cao.
Những người đưa máy tính vào mạng lưới Bitcoin như vậy được gọi là thợ đào. Họ tham gia càng đông, cạnh tranh sức mạnh tính toán càng lớn và khiến phần thưởng ngày càng khó có được. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho mạng Bitcoin trở nên an toàn hơn và xử lý dữ liệu tốt hơn cho các ứng dụng trên mạng lưới. Các thợ đào sau này liên kết thành các pool - những phần mềm kết nối với mạng Bitcoin để phân chia xử lý tính toán và nhận thưởng.
Đào Bitcoin cần các máy tính chuyên dụng gọi là máy ASIC. Trong khi đó, đào ETH cần máy có card đồ họa mạnh hay chính xác là GPU mạnh. Mỗi mạng lưới blockchain đòi hỏi sức mạnh tính toán khác nhau sẽ khai thác sức mạnh máy tính khác nhau. Máy càng mạnh càng dễ đào được nhiều phần thưởng. Đó là lý do card đồ hoạ thường "cháy hàng" khi Bitcoin hay Ethereum tăng giá. Các máy tính muốn chạy thì cần điện, và máy có chip ASIC hay đồ hoạ mạnh thì càng tốt điện.
Từ "đào" sau này được dùng không chỉ cho Bitcoin mà còn cho Ethereum hay các token khác dựa trên lý thuyết cắm máy tính vào ổ điện và kết nối mạng chạy phần mềm tự động để chờ phần thưởng. Đó là các token sử dụng lý thuyết đồng thuận PoW. Tuy nhiên, không phải tiền mã hoá nào cũng được khai thác bằng việc đào và không phải việc đào nào cũng giải được bài toán thực tế của xã hội.
Về mặt công nghệ, việc nhiều người tham gia đào tiền mã hoá giúp mạng lưới blockchain trở nên mạnh hơn, cho phép nhiều ứng dụng mới được mở ra. Trong đó có những ứng dụng tốt và chưa tốt. Mạng Bitcoin ra đời đầu tiên năm 2009. Các mạng khác ra đời muộn hơn như Ethereum vào 2015. Đây cũng là mạng có đông đảo ứng dụng blockchain nhất đang hoạt động.
Về mặt kinh tế, Bitcoin hay các loại tiền mã hoá đang tạo ra một dòng chảy kinh tế mới. Một số ứng dụng như DeFi (tài chính phi tập trung) hay GameFi (trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính "play-to-earn" - chơi để kiếm tiền) đang mở ra một nền kinh tế mới trong cộng đồng. Những thợ đào trực tiếp khai thác tiền mã hoá sau khi trừ đi chi phí sẽ có lợi nhuận, tương tự người nông dân trồng lúa chờ thu hoạch. Rủi ro của người nông dân cũng giống rủi ro của thợ đào. Nhiều khi thợ đào thu token bán đi không đủ tiền chi phí đào.
Bên cạnh những lợi ích về công nghệ, kinh tế, khai thác tiền mã hoá cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là việc tiêu tốn quá nhiều năng lượng và phần cứng điện tử. Báo cáo từ Ngân hàng trung ương Hà Lan và MIT cho biết việc khai thác và giao dịch Bitcoin đang tạo ra một lượng rác thải điện tử khổng lồ. Vì thuật toán ngày càng khó, các thợ đào luôn cần chip mới nhất để chạy thuật toán. Các ASIC liên tục bị thay mới bằng những model mạnh hơn. Alex de Vries và Christian Stoll - hai nhà nghiên cứu về vấn đề rác thải điện tử - ước tính toàn bộ mạng Bitcoin đang xả ra môi trường khoảng 30,7 triệu kg thiết bị điện tử mỗi năm. Con số này tương đương lượng rác thải thiết bị viễn thông và CNTT của Hà Lan. Vào năm 2020, mạng Bitcoin đã xử lý 112,5 triệu giao dịch. Các nhà kinh tế cho biết, trung bình mỗi giao dịch Bitcoin "tương đương ít nhất 272 g rác thải điện tử", hay tương đương lượng rác từ hai chiếc iPhone 12 mini.
Để việc khai thác tiền mã hoá "xanh" hơn, mạng Ethereum đã quyết định đổi lý thuyết đồng thuận để không tiêu tốn năng lượng trực tiếp, trong khi Bitcoin vẫn ngốn nhiều năng lượng. Các thợ đào có nhiệm vụ tối ưu hóa, giảm chi phí điện thông qua lợi ích trực tiếp của họ.
Huy Nguyễn
Co-founder KardiaChain & CEO DecomWings