Hai tháng kể từ khi bước vào cao điểm mùa nắng, gia đình chị Như Hoài (quận 9, TP HCM) cũng thay đổi địa điểm sinh hoạt chung, từ khoảng sân trước nhà chuyển vào phòng khách - nơi có gắn điều hòa. Cuối tuần, khi các thành viên ở nhà đầy đủ, 3 chiếc máy điều hòa gần như hoạt động hết công suất, đặc biệt là giờ trưa. Dẫu đã dự tính tiền điện sẽ tăng, nhưng đến khi nhận hóa đơn cuối tháng, chị bất ngờ vì chi phí tăng đến 50%, khoản tiền phải thanh toán gần như là cao kỷ lục của gia đình chị - gần 5 triệu đồng. Trước đây, cũng có những thời điểm gia đình chị dùng cả 3 máy điều hòa để làm mát, nhưng mức điện tiêu thụ chưa từng cao đến thế.
Nỗi lo về tiền điện tăng cao trong mùa nóng là mối bận tâm của đa số người dùng. Gia đình anh Tấn Trung (quận Tân Bình, TP HCM) cũng từng gọi điện lên tổng đài để thắc mắc vì sao vẫn cùng những thiết bị và tần suất sử dụng, nhưng cứ vào mùa nóng thì hóa đơn lại biến động lên mức cao.
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) lý giải, theo thống kê về chi phí điện sinh hoạt của hộ gia đình, hệ thống lạnh có thể chiếm đến 50-65% tổng chi phí. Vì vậy, khi máy lạnh tiêu thụ nhiều điện năng hơn, số tiền điện mà bạn phải trả cũng tăng theo.
Để trả lời câu hỏi vì sao máy lạnh lại tốn điện hơn vào mùa nóng, Điện lực TP HCM đã sử dụng mô hình thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa trong các điều kiện thời tiết khác nhau do Khoa Điện - Điện tử Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện.
Thí nghiệm gồm 2 phòng có kích thước giống nhau, lắp đặt 2 máy điều hòa inverter có cùng công suất là 1 HP, chạy trong cùng điều kiện nhiệt độ phòng (cài đặt từ 20 đến 28 độ C), nhưng nhiệt độ môi trường (nơi lắp đặt dàn nóng) của hai phòng khác nhau. Phòng 1 là môi trường tự nhiên với nhiệt độ 28 độ C - mức trung bình trong các ngày mát. Phòng 2 mô phỏng mùa nắng nóng với các mức nhiệt độ lần lượt là 30 độ C, 35 độ C, và 40 độ C.
Thời gian khảo sát gồm: 8-11h, 12-15h và 15h - 18h. Hệ thống đo lường và giám sát được thiết lập theo chuẩn Smart factory để thực hiện nhiệm vụ đo lường, thu thập dữ liệu và hiển thị thông số hoạt động của 2 máy điều hòa trên. Các số liệu như nhiệt độ môi trường, dòng điện, điện áp, điện năng sử dụng, độ ẩm phòng và môi trường được đo lường bằng các cảm biến rồi hiển thị lên trên màn hình LCD theo thời gian thực.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống điều hòa không khí cho phòng số 2 (nơi có nhiệt độ môi trường cao) tốn nhiều điện năng hơn hẳn so với phòng 1. Thực tế, trong các ngày nóng, thời gian sử dụng điều hòa không khí trung bình khoảng 12 giờ/ngày, nên con số tiêu thụ điện năng cao nhất của phòng 2 lên đến 10.720 Wh vào thời điểm nhiệt độ môi trường 40 độ C với mức nhiệt độ phòng được cài đặt 20 độ C. Trong khi đó, mức tiêu thụ điện năng của phòng 1 khoảng 6.624 Wh với mức nhiệt độ phòng được cài đặt cùng ở 20 độ C.
Thử nghiệm cũng cho thấy với cùng mức nhiệt độ môi trường là 40 độ C, nếu nhiệt độ phòng được cài đặt tăng lên ở 28 độ C thì điện năng tiêu thụ giảm chỉ còn 3.264 Wh (so với 10.720 Wh khi nhiệt độ phòng ở 20 độ C).
Từ đó, có thể kết luận điện năng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí sẽ càng tăng khi nhiệt độ cài đặt càng thấp và ngược lại. Vào các ngày có nhiệt độ môi trường cao hơn (trời nóng hơn) thì mức tiêu thụ điện năng cũng cao hơn. Trong cùng một ngày, điện năng tiêu thụ của điều hòa vào buổi trưa sẽ cao hơn sáng và chiều, do thời điểm này trời nóng hơn.
"Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, người dân sử dụng điều hòa với tần suất nhiều hơn và có xu hướng cài đặt nhiệt độ cho máy điều hòa thấp để làm phòng mát nhanh hơn, tránh cái nóng của môi trường. Cộng với việc nhiệt độ môi trường cao, tác động trực tiếp đến dàn nóng, khiến máy hoạt động với năng suất tối đa nên lượng điện năng tiêu thụ rất lớn. Vì giá điện cho nhóm khách hàng sinh hoạt dân dụng được tính theo bậc (mức điện năng sử dụng) nên sử dụng càng nhiều, giá điện sẽ càng cao", đại diện đơn vị cho biết.
Đồng thời, EVNHCMC cũng khuyến cáo một số cách giúp tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa gồm chọn máy lạnh hiệu suất cao, có công nghệ inverter và dán nhãn năng lượng. Dàn nóng, dàn lạnh cần đặt nơi thông thoáng, không bị cản trở hoặc quẩn gió; tối ưu chiều dài và bố trí đường ống gas (nên nhỏ hơn 15 m).
Sử dụng điều hoà ở chế độ làm mát, đừng để nhiệt độ đặt trong phòng quá thấp. Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ nên vào khoảng 3-5 độ C. Đồng thời thường xuyên rửa sạch lưới lọc không khí, bảo dưỡng định kỳ.
Mô hình thực nghiệm kể trên còn được sử dụng trong một số dự án như: "Khảo sát tác động của hệ thống điện năng lượng mặt trời đến điện năng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí" trong đề tài ứng dụng năng lượng mặt trời một cách hiệu quả; "Điều khiển tối ưu hệ thống điều hòa không khí bằng các giải pháp thông minh"...
Nhằm nâng cao kiến thức về cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, Tổng công ty Điện lực TP HCM phối hợp với VnExpress tổ chức chuỗi chương trình trả lời trắc nghiệm nhận quà, diễn ra từ nay đến 13/6.
50 độc giả tại TP HCM trả lời đúng và nhanh nhất sẽ nhận được mã giảm giá trị giá 100.000 đồng khi mua hàng online trên Shop VnExpress và một mã giảm giá 10% tối đa 50.000 đồng cho một lần sử dụng dịch vụ vệ sinh bảo dưỡng máy lạnh của JupViec.
Minh Tú