Các sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc thường bị nghi ngờ về chất lượng, gắn liền với mác giá rẻ và nhanh hỏng. Tuy nhiên vài năm trở lại, không ít nhà sản xuất tại đây đã chuyển mình để thay đổi định vị hàng Trung Quốc trong mắt người tiêu dùng. Đặc biệt trên thị trường smartphone, nhiều thương hiệu Trung Quốc cho thấy họ có thể tạo ra các sản phẩm hội tụ cả ba yếu tố "ngon, bổ, rẻ", đủ sức cạnh tranh với những tên tuổi lớn.
Theo nghiên cứu của TrendForce, điện thoại Trung Quốc hiện có chỗ đứng khá tốt trong lòng người dùng. Trong số 5 nhà sản xuất có lượng smartphone phát hành lớn nhất toàn cầu tính đến quý III/2015, xếp sau Samsung và Apple là bộ ba Huawei, Xiaomi và Lenovo đều của Trung Quốc với tổng thị phần 19,8%. Có được kết quả này, các công ty tại đây đã liên tục đưa ra thị trường các model cấu hình mạnh, thiết kế đẹp với giá cạnh tranh.
Nhưng vì đâu mà điện thoại Trung Quốc lại làm được vậy?
Lao động giá rẻ
Một trong những lý do mà smartphone Trung Quốc có giá cạnh tranh bởi chi phí nhân công tại đây rất rẻ. Quốc gia 1,3 tỷ dân được ví như công xưởng của cả thế giới nhờ lực lượng lao động hùng hậu nhưng giá rẻ, đó cũng là lý do rất nhiều thương hiệu đặt nhà máy tại đây.
Với các nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi, Huawei hay Meizu, lợi thế của họ chính là nhân công sẵn có, đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí vận chuyển. Còn như Apple, Samsung hay Sony... giá thành mỗi chiếc smartphone bán ra phải "độn" thêm nhiều khoản khác.
Linh kiện giá rẻ nhưng vẫn đủ tốt
Điện thoại thông minh của các nhà sản xuất Trung Quốc thường có phần cứng mạnh mẽ nhưng không phải đời mới nhất. Họ quan tâm nhiều hơn giữa việc cân bằng giá thành và hiệu suất sử dụng. Chẳng hạn, người dùng có thể dễ tìm một vài model Trung Quốc có cấu hình ngang ngửa Galaxy S6 nhưng giá chỉ bằng khoảng một nửa. Dĩ nhiên, smartphone của Samsung được trang bị những bộ phận chất lượng, nên giá thành sẽ cao hơn.
Đa số các nhà sản xuất Trung Quốc dùng bộ xử lý MediaTek, sức mạnh tương đương chip Qualcomm hay Exynos, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Hơn nữa, MediaTek lại là một công ty Trung Quốc, nên các khoản phụ phí càng được cắt giảm, tối đa hóa việc sản xuất cho thị trường nội địa.
Hay như với RAM, bạn chỉ quan tâm đến con số 3GB, 4GB nhưng công nghệ cũng là yếu tố quan trọng mà ít người để ý. Thường các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không trang bị RAM DDR4 đời mới, được dùng trên nhiều điện thoại thông minh hàng đầu hiện nay. Thay vào đó họ chọn DDR3 cũ hơn để có giá bán tốt hơn. Về cảm biến máy ảnh, Sony là nhà cung cấp được chuộng, bởi cũng như MediaTek, công ty Nhật Bản thường cung cấp những linh kiện có giá trị tốt mà giá thấp.
Đối tác Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất Trung Quốc màn hình lắp trên smartphone. Những linh kiện này tốt, nhưng không thể bằng tấm nền Amoled hay IPS được. Đánh đổi lại, chi phí sản xuất sẽ được giảm xuống mức tối đa, nhưng chất lượng vẫn cân bằng.
Tập trung bán qua kênh "online"
Thương mại điện tử là phương thức bán hàng được các nhà sản xuất Trung Quốc rất ưa chuộng. Trong khi Apple hay Samsung "đổ cả đống tiền" để xây dựng các gian hàng hoành tráng thì các nhà sản xuất Trung Quốc lại tiết kiệm đáng kể. Khi bạn mua chiếc Galaxy S6 edge, số tiền bạn bỏ ra sẽ phải trả cho cả bên phân phối, dù bạn chọn mua qua bất kỳ hình thức nào, rồi còn phải cộng thêm một số khoản phí khác. Còn các nhà sản xuất Trung Quốc, họ bán "online" nên không tốn một đồng nào cho các cửa hàng trưng bày riêng.
"Flash sale" cũng được các nhà sản xuất Trung Quốc tận dụng triệt để. Họ thường bán máy với số lượng hạn chế theo đợt để người dùng có cảm giác rằng nếu không mua ngay thì sẽ hết cơ hội. Bạn từng đọc thông tin nói, smartphone Xiaomi Mi4 đã bán hết sạch chỉ trong 37 giây sau khi cho đặt hàng, đó chính là nghệ thuật "đòn tâm lý" của các công ty Trung Quốc.
Tiếp thị khôn ngoan
Sony từng cam kết tài trợ 18 triệu USD chi phí sản xuất và thêm 5 triệu USD cho riêng Daniel Craig, người thủ vai James, nếu chiếc Xperia của hãng xuất hiện trong phim Điệp viên 007 - Spectre. Samsung thậm chí còn mạnh tay hơn, trả tới 50 triệu USD để nhân vật James Bond chấp nhận dùng smartphone của hãng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều kế hoạch marketing của các công ty smartphone hàng đầu. Vậy số tiền này lấy từ đâu, chính từ chi phí mà người dùng phải trả khi mua điện thoại.
Các nhà sản xuất Trung Quốc thì sao? Họ chọn cách tiếp thị rẻ tiền hơn nhiều nhưng cũng không kém phần hiệu quả, đó là tận dụng mạng xã hội. Tương tự hình thức quảng cáo, phương pháp này sẽ tiếp cận những khách hàng có nhu cầu tìm mua smartphone giá rẻ mà tốt. Nếu bạn muốn mua điện thoại mà không phải trả tiền cho những chi phí phát sinh, hay chọn sản phẩm thương hiệu Trung Quốc.
Bán máy, bán thêm phụ kiện
Các nhà sản xuất Trung Quốc thường đạt tỷ suất lợi nhuận thấp trên mỗi sản phẩm bán ra, vì thế họ phải tăng lên bằng cách bán thêm phụ kiện. Phổ biến nhất trong đó là ốp bảo vệ máy, nhưng một số nhà sản xuất như Xiaomi, thậm chí còn bán cả giày thông minh.
Một số smartphone Trung Quốc bán ra tiết kiệm chi phí bằng cách không đi kèm adapter sạc, bỏ tai nghe. Nếu người dùng có nhu cầu, họ cần mua thêm những phụ kiện này từ nhà sản xuất, dĩ nhiên là mức giá đưa ra cũng khá rẻ, đủ để khách hàng chấp nhận được.
Chất lượng liệu có tốt?
"Ám ảnh" về điện thoại Trung Quốc có chất lượng thấp vẫn còn, nhưng trong một vài năm gần đây nó dần được xóa bỏ. Rõ ràng những sản phẩm này không được cấu thành từ những linh kiện tốt nhất, song cũng không kém như trước. Bạn có thể tìm được vài mẫu smartphone Trung Quốc giá dưới 250 USD nhưng sở thiết kế kim loại, cấu hình khá và chất lượng hoàn thiện ổn.
Chắc chắn có những mẫu điện thoại tốt hơn thế, song đa số smartphone Trung Quốc hiện nay đủ đáp ứng nhu cầu duyệt web, nhắn tin hay giải trí cơ bản. Vậy nhược điểm là gì? Điện thoại Trung Quốc hay sử dụng giao diện riêng khá khó dùng, ngoài ra bạn cũng đừng mất công chờ đợi các bản cập nhật phần mềm.
Dù thế, nếu nhu cầu chỉ là trải nghiệm hệ điều hành từ Google, có thể "sống chung" với những nhược điểm và không muốn tốn quá nhiều tiền cho một chiếc smartphone, thì điện thoại Trung Quốc là lựa chọn đáng cân nhắc.