Có rất nhiều cha mẹ cứ băn khoăn không biết tại sao mình nuôi con lại vất vả thế. Tháng nào con cũng bị ốm mặc dù đã đi khám ở nhiều trung tâm y tế, các bệnh viện, xét nghiệm đủ kiểu, uống khá nhiều thuốc. Đặc biệt khi giao mùa, thời tiết thay đổi nóng, lạnh, hanh khô, độ ẩm cao… dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc các nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp tăng vọt. Tình trạng trẻ “Hay ốm - Biếng ăn - Chậm lớn” có mối liên hệ mật thiết và là hệ lụy của nhau.
Tại sao trẻ hay ốm?
Để hiểu rõ tại sao là vấn đề rất phức tạp, tuy nhiên có một số nguyên nhân như:
- Hệ miễn dịch của trẻ yếu và chưa hoàn thiện. Sau khi sinh, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa, gọi là “hệ miễn dịch thụ động”. Trong quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ mới được hoàn thiện dần. Trẻ có sự nhạy cảm cao với điều kiện bên ngoài và sức chịu đựng kém. Điều này rất dễ hiểu đối với cơ thể còn non nớt và thể trạng còn yếu của trẻ. Các văcxin tiêm phòng chỉ có thể gia tăng khả năng miễn dịch của trẻ với những bệnh nhất định, tuy nhiên không phải là tất cả, nhất là đối với những bệnh dễ mắc như: cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên do nhiều loài virus.
- Hệ tiêu hóa chưa tốt. Hệ vi khuẩn đường ruột chưa hoàn thiện, các men tiêu hoá chưa đủ cũng là một trở ngại lớn cho việc tiêu hóa thức ăn, đặc biệt những trẻ biếng ăn và có chế độ ăn chưa phù hợp. Điều này xảy ra với đa số trẻ do khẩu phần của trẻ phần lớn được quyết định bởi người lớn. Rồi thói quen “ép ăn” cũng khiến cho trẻ có tâm lý “sợ ăn” và dẫn đến việc không đủ chất, hoạt động của nhiều cơ quan không được cân bằng và là cơ sở của nhiều căn bệnh.
- Sự hạn chế sử dụng thuốc đối với trẻ. Có rất nhiều loại thuốc chống chỉ định đối với trẻ em, theo nhiều độ tuổi, dẫn đến có những căn bệnh với người lớn chỉ cần uống thuốc là khỏi, nhưng với trẻ em thì không thể sử dụng. Nhất là kháng sinh, sử dụng nhiều cho cơ thể trẻ là hoàn toàn không tốt, vì dễ dẫn đến việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa kém đi và kết quả là thể trạng của trẻ không thể được cải thiện, lại càng dễ mắc bệnh hơn.
- Một số ít trường hợp có thể trẻ bị suy giảm miễn dịch. Đây là trạng thái cơ thể không sinh được đáp ứng miễn dịch hoặc chỉ sinh được một đáp ứng miễn dịch yếu không thể đáp ứng được với yêu cầu của cuộc sống bình thường. Cụ thể là không chống lại được các vi sinh vật gây bệnh, hậu quả là cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng, đi đến tử vong. Nguyên nhân của suy giảm miễn dịch có thể do bẩm sinh (suy giảm miễn dịch tiên phát) hoặc mắc phải (suy giảm miễn dịch thứ phát), làm cho các loại tế bào có thẩm quyền miễn dịch không còn khả năng phản ứng với các kháng nguyên nữa.
Để cải thiện thể trạng và phòng chống bệnh tật cho trẻ cần:
- Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể bằng cách nâng cao hệ miễn dịch đường tiêu hoá, vì 70-80% hệ miễn dịch của cơ thể (sản sinh ra IgA) nằm ở thành ruột, giúp đường tiêu hoá khoẻ mạnh và trẻ hấp thu tối đa chất dinh dưỡng.
- Bổ sung những vi chất dinh dưỡng quan trọng, các vitamin, axit amin thiết yếu để trẻ mau chóng bình phục sau ốm.
- Giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng cân đều đặn theo biểu đồ tăng trưởng.
- Trường hợp nghi ngờ trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải cần được khám bác sĩ chuyên khoa miễn dịch để tìm nguyên nhân và điều trị đặc hiệu.
Tiến sĩ Lê Minh Hương
Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương