Bác sĩ Dương Anh Tuấn công tác tại phòng nha Tâm Đức, TP HCM, cho biết có rất nhiều người bị buồn nôn và nôn khi đánh răng. Đây có thể là vấn đề của sức khỏe răng miệng hoặc do các nguyên nhân bệnh lý ở vùng khác, dù sao cũng không nên xem thường.
Về cơ bản, nôn là một phản xạ có lợi cho cơ thể nhằm làm giảm áp lực trong dạ dày khi có sự hiện diện của dị vật hoặc kích thích lên vùng hầu họng. Nếu khi đánh răng có cảm giác nôn và buồn nôn kéo dài một thời gian với tính chất không thay đổi hoặc tăng dần, có thể bạn đang gặp phải một trong các bệnh lý liên quan như:
Bệnh lý tại chỗ vùng răng miệng
Khi đánh răng sẽ tác động lên vùng hầu họng làm kích thích thụ thể thần kinh tại đây, gây ra cảm giác buồn nôn và nôn. Ngoài ra một số bệnh răng miệng như viêm quanh răng do vôi, sâu răng, tổn thương tủy răng, răng khôn (số 8) mọc lệch, áp xe vùng răng miệng… cũng gây hiện tượng này.
Bệnh lý đường hô hấp
Viêm họng cấp hoặc mạn tính, viêm họng hạt, viêm amidan, viêm xoang, u hầu họng, viêm phế quản mạn tính gây tăng tiết đờm dãi vào buổi sáng. Khi ấy, đánh răng làm tăng cảm giác buồn nôn.
Bệnh lý đường tiêu hóa
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thai nghén ở phụ nữ, nhiễm ký sinh trùng, u thực quản, loét dạ dày tá tràng, hẹp môn vị cũng gây buồn nôn và nôn khi đánh răng. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, cảm giác nặng ngực, khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng trên rốn.
Một số yếu tố nguy cơ
Sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ăn nhiều và muộn vào buổi tối, dùng thực phẩm chua cay nhiều gia vị như bột ngọt, ớt, tiêu, chanh. Ngoài ra trong một số trường hợp, mùi vị của kem đánh răng cũng gây cảm giác khó chịu và buồn nôn cho người sử dụng.
Bác sĩ Tuấn gợi ý một số cách khác phục tình trạng buồn nôn và nôn khi đánh răng như sau: Thay đổi kem đánh răng sang loại có mùi vị dễ chịu hơn. Không sử dụng quá nhiều kem đánh răng trong một lần. Dùng bàn chải mềm và phù hợp hơn với cấu trúc khoang miệng. Khi đánh răng cần thả lỏng, thoải mái, hít thở bằng mũi. Không chải quá mạnh và nhanh. Không đưa bàn chải sâu vào vùng hầu họng. Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Tầm soát tất cả các bệnh lý liên quan đến răng miệng, đường hô hấp, tiêu hóa, nếu có cần điều trị triệt để. Không ăn quá khuya.
Sau khi áp dụng tất cả các cách trên mà tình trạng vẫn không cải thiện thì nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa răng miệng. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp khắc phục phù hợp với từng trường hợp cụ thể.