Chiều 30/7, hơn chục cây me tây đường kính từ 30-50 cm nằm trong công viên Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, và 12 cây phượng hơn chục năm tuổi, nằm trong khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Sangri-La, quận Bình Tân bị cắt nhánh trơ trụi, chỉ còn phần thân khiến nhiều người tiếc nuối. Đại diện Tập đoàn Môi trường xanh (đơn vị phụ trách duy tu cây xanh tại công viên Thanh Đa), cho biết do cây me tây là loại có bộ rễ nổi, nếu để nhiều cành lá sẽ tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ nên phải xử lý.
Không đồng tình với hành động cắt trụi cây xanh, độc giả Tran Duy Vina nhận định: "Cây cần ánh nắng và nước để quang hợp thông qua lá để tạo dinh dưỡng, tán cây lớn thì bộ rễ sẽ phát triển giúp cây đứng vững. Bộ rễ cây cần thoáng để trao đổi chất giúp rễ phát triển, vì vậy cần mở cho bộ rễ được thông thoáng tốt nhất có thể giúp cây không bị ngã đổ. Vào mùa mưa, cây cần thông thoáng, thoát nước tốt để không gây ngập úng, làm hư rễ cây dẫn đến ngã đổ.
Việc cắt tỉa cành là cần thiết, nhưng việc cắt trụi cây như vậy là không đúng kỹ thuật, làm cho cây không quang hợp được, ảnh hưởng bộ rễ. Lâu ngày, rễ mục gây đổ ngã cây. Cây xanh quan trọng đối với người dân, tạo mỹ quan, lọc không khí và giảm nhiệt độ, nên việc cắt tỉa cần nghiên cứu kỹ hoặc tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về cây xanh để có phương án xử lý phù hợp".
Đồng quan điểm, bạn đọc Đình: "Nhìn hàng cây trơ trọi như vậy, tôi rất bức xúc. Trường học cũng vậy, nhiều trường đã cho chặt hết cây xanh rất lớn, rồi lại cho trồng cây xanh nhỏ với lý do là để an toàn cho học sinh. Vậy dạy cho học sinh bảo vệ môi trường thế nào? Chẳng lẽ sợ cây ngã đổ gây nguy hiểm, thì cứ nơi nào trên cả nước có cây xanh cao lớn, tồn tại hàng chục, trăm năm cũng đều nên chặt bỏ hết để tránh gây tai nạn cho người dân?".
"Riêng tôi tôi thấy cực kỳ phản cảm. Cây trồng ở đô thị chủ yếu là cho bóng mát, muốn tỉa cũng phải đúng quy định, chứ không phải cắt cụt lủn như thế. Người không có chuyên môn nhìn vào cũng lắc đầu ngao ngán. Các địa phương nên có quy định về vấn đề này, chứ tôi thấy tình trạng cắt tỉa cây bừa bãi, thích là cắt theo cảm tính mà không có cơ sở nào cả. Chưa kể tình trạng ống nước, đường điện, ống cống chồng chéo, khiến rễ cây bị chặt, đẽo, bóc vỏ không thương tiếc... cũng có thể khiến cây ngã, đổ", độc giả Tuannnkh nói thêm.
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, bạn đọc Sông Đông ủng hộ hành động cắt trụi cây xanh để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão: "Mới đầu, ai nhìn cây xanh bị cắt trụi cũng thấy lạ, tiếc nuối hoặc bức xúc. Nhưng cứ nhìn cây xanh Hà Nội hơn chục năm trước cũng bị cắt trụi kiểu đó, nhiều người cũng tỏ vẻ bức xúc. Và bây giờ, sau một khoảng thời gian nhất định, ai cũng thừa nhận cắt tỉa như thế là hợp lý, bởi vài năm sau cây đã rất đẹp, đủ tỏa bóng mát mà cành không quá to, không gây nguy hiểm cho người đi đường. Ở đây chỉ là cắt cành, còn bộ rễ vẫn tốt nên cây sẽ phát tán rất nhanh".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Nguyen Thanh Phat phân tích: "Tôi rất thích trồng cây, và cũng buồn khi cây cối bị cắt tỉa trụi như vậy. Nhưng năm nay, mưa kèm theo gió lốc rất mạnh và bất thường so với mọi năm, nên phương án tỉa như trên là đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện qua lại, cũng như an toàn cho cây (không bị bật gốc). Vì cây trồng trong đô thị, bề mặt đất xung quanh bị bê tông hóa, rễ không ra nhiều để bám đất, chưa kể trong qua trình xây dựng, người ta cũng chặt bớt rễ cái để hạn chế rễ cây ăn vào nền nhà, công trình khiến cây dễ ngã, đổ hơn".
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Tai Anh Phung: "Tại sao năm nào cũng có người tiếc nuối vì việc cắt ngọn cây to để chống mưa gió gãy đổ? Trong khi đó, năm nào cũng có cây xanh trong thành phố gãy đổ gây chết người. Nếu thành phố đủ kinh phí, tôi cho rằng nên chặt bỏ hẳn và thay thế hết cây to, già yếu và trồng cây mới để những sự việc đau lòng do cây gãy đổ không xảy ra nữa. Cây xanh nên giới hạn tán rộng 7 m, cao không quá 6 m, và đường kính thân tối đa 70 cm là vừa đủ".
Theo hướng dẫn trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên tổ chức, cá nhân do Sở Xây dựng TP HCM ban hành, việc cây xanh bị cắt trụi lá là không đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất an toàn và mỹ quan. Cây xanh bị cắt trụi dễ sinh ra nhiều chồi bất định, khi phát triển thành cành cây có liên kết yếu, rất dễ gãy, tét gây mất an toàn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.