Người ta thắc mắc là liệu Mỹ có mạo hiểm cử các nhóm tàu sân bay tới can thiệp nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan hay không, ví thử Trung Quốc kịp triển khai một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh vào cuối thập kỷ này. Đối với các chuyên gia, đây là một minh chứng cho sức hấp dẫn của tàu ngầm, mặc dù gánh nặng ngân sách và những trở ngại kỹ thuật trong việc vận hành các tàu ngầm này không phải là nhỏ.
Australia
Tàu ngầm hạng Collins. |
6 tàu ngầm hạng Collins của Thụy Điển sẽ khiến Australia tiêu tốn tổng cộng 3 tỷ USD, khi chiếc cuối cùng được chuyển tới nơi vào cuối năm nay. Ngoài ra, còn rất nhiều khoản chi khác. Cứ 6 năm, một tàu ngầm truyền thống lại phải qua đại tu một lần. Thời gian đó, nó có thể không được đưa vào sử dụng trong vòng 1 năm.
Tốn kém là vậy, nhưng khi nền kinh tế khu vực dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, các chính phủ đã bắt đầu nghĩ tới chuyện sắm sửa. Tàu ngầm vừa là một thứ mốt của hải quân, vừa là một cách để phô bày sức mạnh kỹ thuật và quân sự.
Trung Quốc và Đài Loan
Tàu ngầm hạng Kilo. |
Đây có lẽ là cuộc đua tranh gay gắt nhất ở khu vực. Dự kiến, tới năm 2007, Bắc Kinh sẽ tiếp nhận 8 tàu ngầm truyền thống hạng Kilo của Nga theo một hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD. Những tàu ngầm này, cùng với 4 chiếc hạng Kilo khác Trung Quốc đang nắm sẵn trong tay, sẽ là lực lượng nòng cốt, trường hợp Bắc Kinh quyết định chặn các cảng biển của Đài Loan. Bản thân Trung Quốc đã có 60 tàu ngầm hạt nhân và truyền thống tự sản xuất, nhưng hầu hết đều lạc hậu hay gặp nhiều trục trặc kỹ thuật.
Mặc dù quyết định trang bị tới 8 chiếc Kilo một lúc cho thấy Bắc Kinh đã thất bại trong kế hoạch phát triển loại tàu ngầm nội địa mới nhất, nhưng nhiều tàu ngầm do Trung Quốc tự sản xuất vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, nếu xung đột nổ ra.
Một trong những nguyên nhân lý giải việc Bắc Kinh khẩn trương mua thêm tàu ngầm là sự kiện Washington quyết định bán cho Đài Bắc 8 tàu ngầm truyền thống, trị giá tới 4 tỷ USD. Từ lâu Mỹ đã có quan điểm là Trung Quốc đang ra sức phát triển quân sự, buộc Đài Loan phải chấp nhận thống nhất. Một báo cáo của Lầu Năm Năm Góc ngày 13/7 cho rằng Bắc Kinh vạch sẵn một loạt chiến lược khác nhau, bao gồm cả tấn công bằng tên lửa, chặn các tuyến đường biển và chiến tranh trên mạng.
Vì từ lâu đã không còn sản xuất tàu ngầm truyền thống (hiện Mỹ chỉ sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân), Washington phải nhờ đến một nước thứ ba đóng tàu cho Đài Bắc. Mỹ định sử dụng mẫu thiết kế của Đức hoặc Israel. Cả hai công ty của Mỹ, General Motors Corp. - công ty mẹ của hãng sản xuất tàu ngầm Electric Boat - và Northrop Grumman Corp., đều nóng lòng muốn bắt tay với một đối tác nước ngoài.
Bằng chứng cho thấy quyết tâm của Mỹ là hồi tháng 3, một công ty đầu tư có trụ sở ở Chicago tên là One Equity Partners đã mua 75% cổ phần trong Công ty Howaldswerke Deutsche Werft (HDW) của Đức, một trong những nhà sản xuất tàu ngầm truyền thống hàng đầu trên thế giới. Berlin từng khẳng định là sẽ không cho phép sản xuất tàu ngầm Đài Loan trên đất Đức. Nhưng một khi đã nắm tới 75% cổ phần, dĩ nhiên Mỹ sẽ được tiếp cận với các bí quyết và công nghệ then chốt của HDW.
Ấn Độ
Tàu ngầm Scorpene. |
Cạnh tranh về ảnh hưởng trên biển giữa Trung Quốc và Ấn Độ là một lý do khiến New Delhi dự định trang bị thêm 20 tàu ngầm mới trong vòng thập kỷ tới. Ấn Độ đang thương thuyết với Nga về việc thuê 2 tàu ngầm hạt nhân và mua tới 8 tàu ngầm truyền thống. Các cuộc thảo luận cũng diễn ra với hãng đóng tàu DCN quốc doanh của Pháp, xung quanh khả năng hãng này cung cấp tới 12 tàu ngầm truyền thống hạng Scorpene. New Delhi cũng muốn những hợp đồng bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ, để ngành sản xuất tàu ngầm Ấn Độ đáp ứng được các đơn đặt hàng của chính phủ trong tương lai.
Nhật Bản
Trong khi sự chú ý của báo giới đang đổ dồn vào những hợp đồng quốc phòng đồ sộ, Tokyo vẫn thầm lặng phát triển một trong những đội tàu ngầm lớn nhất và tân tiến nhất ở Đông Á. Nắm trong tay 20 tàu ngầm, Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật sẽ đóng vai trò sống còn đối với an ninh ở khu vực, một khi họ thoát dần ra khỏi thế cô lập và nhất là nếu Tokyo định liên kết với Washington.
Một trong những tàu ngầm hiện đại nhất của Nhật mới đây đã được chuyển thành hệ thống đẩy không cần đến không khí. Điều này cho phép nó lặn sâu trong thời gian dài mà không cần phải nổi lên để nạp lại ắc quy. Như vậy, trong tương lai, đội tàu ngầm của Nhật sẽ hoạt động hệt như các tàu ngầm hạt nhân.
Hàn Quốc
Sốt ruột trước những bước phát triển quân sự của Nhật, Hàn Quốc khẩn trương lo sắm tàu ngầm cho bằng anh bằng em. Năm ngoái, Chính phủ Đức đã chấp thuận việc chuyển giao các thiết bị trị giá 600 triệu USD để hãng Hyundai bắt đầu sản xuất 3 tàu ngầm HDW loại 214 tại xưởng đóng tàu ở Ulsan. Cuối năm ngoái, hải quân Hàn Quốc đã triển khai tàu ngầm HDW thứ 9 của mình.
Malaysia và Singapore
Từ những năm 1980, Malaysia đã tính đến chuyện mua tàu ngầm hạng Sjoormen của Thuỵ Điển, nhưng suy thoái kinh tế năm 1986 khiến họ gác ý định này sang một bên. Đầu những năm 1990, hải quân có chút ngân sách, nhưng họ lại ưu tiên trang bị tàu tuần tra xa bờ trước. Năm 1995, hợp đồng sản xuất 27 tàu loại này trị giá 6 tỷ ringgit đã về tay các nhà sản xuất Đức, trong một thỏa thuận liên doanh với Amin Shah - một công ty Malaysia được cựu bộ trưởng Tài chính Daim Zainuddin bảo trợ.
Năm 1998, nước láng giềng Singapore tiếp nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên của mình, chính là tàu hạng Sjoorman của Thuỵ Điển. Đội điều khiển tàu ngầm cần ít nhất 5 năm huấn luyện. Như vậy, Singapore (trước kia thuộc Malaysia) đã đi trước Kuala Lumpur một bước. Malaysia làm sao không sốt ruột.
Một chiếc tàu ngầm Agosta thuộc hải quân Pakistan. |
Năm 1999, Công ty DCN của Pháp trình bày với Bộ Quốc phòng Malaysia về loại tàu ngầm hạng Scorpene có khả năng tàng hình. Kết quả là ngày 6/6 năm nay, Kuala Lumpur đã ký một hợp đồng trị giá 3,6 tỷ ringgit (947 triệu USD) với DCN và hãng đóng tàu Tây Ban Nha IZAR (IZAR chung quyền với DCN về công nghệ của Scorpene) để sản xuất 2 chiếc loại này cho hải quân Malaysia. Ngoài ra, đất nước Đông Nam Á còn đặt mua thêm một tàu ngầm Agosta trước thuộc hải quân Pháp để phục vụ cho công tác huấn luyện.
Thái Lan
Thấy Malaysia và Singapore gia nhập câu lạc bộ tàu ngầm, tới lượt Thái Lan giở hầu bao ra tính toán. Hải quân nước này đã có các cuộc bàn thảo về khả năng mua 3 tàu ngầm Israel từng qua sử dụng. Nhưng hầu hết các nhà phân tích quốc phòng trong khu vực nhận định chuyện này sẽ không đi đến đâu.
Ở đây, vớ bẫm nhất dĩ nhiên là các nhà sản xuất tàu ngầm truyền thống ở Nga, Đức, Thụy Điển và Pháp. “Cuộc chạy đua vũ trang giữa những nhà cung cấp quyết liệt chả kém gì giữa các nước mua tàu ngầm”, Akio Wanataabe, Chủ tịch Viện nghiên cứu Vì Hòa bình và ổn định của Nhật, bình luận. Người ta có thể tưởng tượng ra một viễn cảnh: Khi tất cả những tàu ngầm nói trên được đưa vào sử dụng, dưới lòng biển, các tuyến đường hàng hải quan trọng của châu Á sẽ dày đặc tàu ngầm, không thua gì thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Minh Châu (theo FEER)