Xin hỏi, tôi phải điều trị như thế nào vì tôi mới mổ lần trước cách đây 4 tháng thôi? (Tươi).
Trả lời:
Chào chị,
Cường giáp là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tình trạng hormone giáp tăng cao và thường xuyên trong máu. Bệnh thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 20-50. Bệnh nhân cường giáp thường gầy còm, tính khí thất thường, dễ cáu gắt, xúc động, ra mồ hồi nhiều, run tay, thường cảm thấy bồi hồi, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức. Nguyên nhân thường gặp của cường giáp là bệnh basedow, bướu giáp nhân cường giáp, viêm tuyến giáp, u tuyến yên, do thuốc...
Việc chẩn đoán cường giáp chủ yếu dựa vào các biểu hiện của hội chứng và định lượng nồng độ hormone giáp trong máu. Ba phương pháp chính trong điều trị cường giáp gồm: thuốc kháng giáp tổng hợp, phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ bướu tuyến giáp và xạ trị tuyến giáp.
Việc chỉ định và chọn lựa phương pháp điều trị cường giáp phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân, mức độ, biến chứng của bệnh, tuổi, cơ địa người bệnh và các chống chỉ định. Việc điều trị thuốc kháng giáp có thể kéo dài, dễ tái phát và các tác dụng phụ như hủy tế bào gan, giảm bạch cầu hạt do thuốc kháng giáp có thể rất nghiêm trọng. Điều trị phẫu thuật thường không phù hợp với bệnh nhân có thể trạng già, suy kiệt. Xạ trị tuyến giáp có thể gây suy giáp vĩnh viễn hoặc tăng nguy cơ ung thư.
Thời gian điều trị và theo dõi cường giáp là khá dài, và nguy cơ tái phát là có thể xảy ra. Những bệnh nhân điều trị lui bệnh không tái khám trong nhiều năm, có thể nhập viện với tình trạng xấu do cường giáp tái phát.
Việc chị xét nghiệm và tái khám trở lại là điều rất tốt. Cường giáp tái phát sau phẫu thuật có thể do mô giáp được cắt bỏ quá ít hoặc trong nhiều trường hợp do tình trạng lo lắng, stress, sử dụng thực phẩm có chứa nhiều iốt (rau câu, rong biển, phổ tai, hải sản, muối iốt...). Việc điều trị cường giáp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đã trình bày, chị nên đến khám và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Chúc chị nhiều sức khỏe.
Bác sĩ Mã Tùng Phát