Theo Science Aleart, các nhà khoa học đã chụp hình não bộ của 8 tình nguyện viên hồi tưởng lại lúc bị tai nạn máy bay trên Đại Tây dương năm 2001.
Nhóm nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên xem lại cảnh máy bay của họ sắp rơi và kể lại sự việc, trong lúc chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) vùng não. Các nhà khoa học cũng cho họ xem cảnh tấn công ngày 11/9, vụ việc xảy ra ba tuần sau khi máy bay của họ gặp nạn, và một sự kiện bình thường khác để kiểm tra quá trình phản ứng của bộ não.
Kết quả cho thấy trong khi hồi tưởng về chuyến bay, vùng não bộ hình thành các phản ứng xúc cảm của nhóm tình nguyện viên sáng lên, gồm hạch hạnh nhân amygdala, thùy hải mã hippocampus, vùng não trước trán và sau đầu. Hiện tượng tương tự xảy ra khi họ xem cảnh tấn công 11/9. Tuy nhiên, hiện tượng này không xuất hiện khi họ xem các sự kiện bình thường khác.
"Tai nạn kinh hoàng vẫn ám ảnh họ, cho dù họ có bị bệnh rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD) hay không," Daniela Palombo, trưởng nhóm nghiên cứu, làm việc tại trung tâm Khoa học Y tế Baycrest, Canada cho biết. Nghiên cứu này công bố hôm 24/6 trong tạp chí Khoa học Tâm lý Lâm sàng (Clinical Psychological Science).
"Họ vẫn nhớ như in sự kiện đó như vừa xảy ra hôm qua, cho dù nó xảy ra cách đây một thập kỷ (nghiên cứu chụp não tiến hành năm 2011). Những trải nghiệm bình thường sẽ mờ dần theo thời gian, nhưng kinh nghiệm đau đớn hằn sâu trong não bộ."
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra đối với những người chưa từng trải qua tai nạn khủng khiếp và kết quả cho thấy não bộ của họ không xảy ra phản ứng như nhóm tình nguyện viên.
"Kết quả kiểm tra chỉ ra rằng nỗi sợ hãi do chuyến bay tử thần gây ra làm thay đổi cách các tình nguyện viên tiếp nhận thông tin mới, khiến họ trở nên đặc biệt nhạy cảm với những sự việc khủng khiếp và tiêu cực”, nhóm nghiên cứu giải thích.
Kết quả thu được cung cấp cho các nhà khoa học các thông tin cực kỳ quan trọng về quá trình não bộ hoạt động và lưu giữ ký ức gây chấn thương tâm lý cũng như bệnh PTSD.
Thanh Trúc