Theo Guardian, các nhà khoa học Anh và PNG phát hiện trong cơ thể người tộc Fore có kháng thể di truyền chống lại kuru prion, một dạng bệnh bò điên khiến não người xốp hóa (CJD).
Người Fore có tập tục ăn não người thân trong đám ma, khiến 2% dân số chết mỗi năm vì bệnh kuru prion. Tuy nhiên, ở những người không mắc bệnh đã phát triển một gen đơn kháng prion. Gen này cũng bảo vệ họ khỏi mắc nhiều dạng bệnh CJD khác.
"Đây là một ví dụ điển hình của thuyết tiến hóa Darwin đối với con người. Đỉnh dịch đã chọn ra một sự thay đổi gen, cung cấp khả năng bảo vệ hoàn hảo chống lại căn bệnh mất trí nhớ gây tử vong," John Collinge, Viện Thần kinh học, đại học London cho biết.
Prion là tác nhân biến một protein bình thường thành bất thường, được coi là tác nhân lây nhiễm bệnh CJD ở người, hay bệnh bò điên ở gia súc. Chúng cũng được coi là tác nhân gây mất trí nhớ. Theo đó, protein prion thay đổi hình dạng, dính lại với nhau tạo thành các polymer hủy hoại não trong các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer hay Parkinson.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 47,5 triệu người mất trí nhớ và 7,7 triệu người mắc mới. Dự đoán, con số này sẽ tăng lên 75,6 triệu người năm 2030. Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu về gen đơn kháng prion của người Fore sẽ giúp tìm hiểu cơ chế ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ.
Hồng Hạnh