Với hình thể địa lý dài xuôi theo hướng Bắc - Nam, các tuyến đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt kết nối các vùng miền nước ta. Quê tôi ở Cai Lậy, Tiền Giang.
Từ ngày đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây và đưa vào sử dụng, phía sau nhà là ruộng đồng lại có tuyến cao tốc vắt ngang, xe cộ ngày đêm chạy không ngớt, tôi thấy quê hương mình phát triển.
Nhiều người bảo "cao tốc gì mà hẹp quá", tôi thì nghĩ trước mắt có một tuyến đường thẳng đều, không giao cắt với đường dân sinh thì an toàn hơn đi ngoài Quốc lộ 1A rồi.
Nhưng, qua thống kê thời gian chỉ một tháng, tôi nhận thấy tai nạn liên hoàn giữa các ôtô đang là nỗi ám ảnh trên các cao tốc:
- Ngày 3/2 (24 tháng Chạp) tai nạn liên hoàn làm tuyến TP HCM - Dầu Giây ùn ứ ba km, sáng 3/2 (24 tháng chạp). Lúc 6h, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc kéo dài hơn 3 km đoạn qua trạm thu phí Long Thành do tai nạn liên hoàn giữa 4 ôtô (4-7 chỗ). Các xe gặp khó khăn khi đi từ TP HCM tới Đồng Nai.
- 5 ôtô tông liên hoàn trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hướng từ Bình Thuận vào TP HCM khiến đoạn đường ùn tắc kéo dài 5 km, chiều 13/2 (mùng 4 Tết).
- Tai nạn liên hoàn 4 ôtô, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đóng lối vào: Một xe bẹp rúm, ôtô khác lao khỏi đường, nhiều người bị thương sau tai nạn liên hoàn, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đóng lối vào, tối 16/2 (mùng 7 Tết).
- Ngày hôm qua, 18/2: 7 ôtô va chạm liên hoàn, hai người bị thương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kẹt xe khoảng 10 km, chiều 18/2.
Buổi sáng thì xảy ra vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua Thừa Thiên Huế) khiến 3 người tử vong: ôtô 7 chỗ vượt phải, va vào xe container, sau đó lao sang làn cao tốc ngược chiều và bị xe tải tông trúng.
Chỉ trong vài ngày nghỉ Tết đã có nhiều vụ tai nạn liên hoàn xảy ra, nguyên nhân là gì? Do ý thức người cầm lái hay thiết kế cao tốc, biển báo... có vấn đề? Tôi rất mong chúng ta cùng thảo luận để tìm hướng khắc phục, giảm thiểu rủi ro.
Vĩnh Đức
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.