Khoản 1 Điều 40 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động như sau:
"a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật".
Khoản 6 Điều 8 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH cũng quy định về việc giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp cá biệt như sau: "Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động là trường hợp người lao động bị tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất".
Trong bảng Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP không có quy định rượu thuộc danh sách này.
Tuy nhiên trước đó, Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH (hết hiệu lực ngày 01/03/2022) có quy định tại điểm c khoản 6 Điều 11 về một trong các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động là: "Tai nạn do say rượu, bia...".
Như vậy, trước ngày 1/3/2022, tai nạn lao động do say rượu sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, trường hợp say rượu không còn thuộc trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động. Do đó, tùy thuộc vào mốc thời gian xảy ra tai nạn lao động là trước hay sau thời điểm ngày 1/3/2022, anh bạn có thể cân nhắc đề nghị doanh nghiệp nộp hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động lên cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, theo thông tin bạn cung cấp, việc tai nạn này không hoàn toàn do lỗi của anh bạn gây ra. Vì vậy, ngoài chế độ tai nạn lao động, anh bạn còn được doanh nghiệp bồi thường nếu thuộc trường hợp bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
- Đối với trường hợp bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động, người lao động sẽ được bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%
- Đối với trường hợp bị suy giảm từ 81% trở lên, người lao động sẽ được bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội