Wall Street Journal ngày 29/4 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work xác nhận NATO có kế hoạch điều 4 tiểu đoàn với quân số hơn 4000 binh sĩ tới các thành viên ở Đông Âu gồm Ba Lan và ba nước vùng Baltic khác nhằm đối phó lại với các hành động "khiêu khích" ngày càng gia tăng của Nga.
Đáp lại, Moscow cũng đang tích cực triển khai các biện pháp đáp trả. Theo các chuyên gia của Réseauinternational, bên cạnh việc thành lập mới 3 sư đoàn lục quân, bộ Quốc phòng Nga đã bước đầu triển khai các thành phần đầu tiên của hệ thống trinh sát đo đạc tín hiệu MASINT (Measurement And Signature Intelligence) tới các khu vực biên giới phía Tây nước này, nhằm giám sát mọi động thái của NATO.
Thực chất của hệ thống tình báo MASINT là kết hợp nhiều biện pháp trinh sát khác nhau nhằm tạo lập "chân dung" chính xác về mục tiêu cần trinh sát. Thứ nhất, đo đạc kích thước hình học và các số liệu có liên quan, các đặc tính tĩnh học, động học và các đặc tính vật lý khác của các mục tiêu cần trinh sát.
Thứ hai, thu thập các thông tin tín hiệu như tính chất của các trường do các mục tiêu tạo ra (trường điện từ, trường phóng xạ, từ trường) và các tín hiệu liên quan đến các trường đó như tín hiệu âm thanh, chấn động và các tín hiệu khác, phát hiện các tác nhân hoá học và sinh học, thành phần hoá học của các vật liệu kết cấu mục tiêu và các bộ phận khác của mục tiêu.
Theo đó, các thành phần Nga mới triển khai là hệ thống cảm biến tín hiệu từ trường, địa chấn và âm thanh OWL SBRM hiện đại, có thể giúp quân đội nước này xác định chính xác mục tiêu và các động thái chuyển quân của NATO trên mặt đất hoặc trên không từ khoảng cách 15 km.
Về nguyên lý hoạt động, trước hết quân đội Nga sử dụng không quân rải hoặc phóng các bộ cảm biến nhỏ (nặng khoảng 700 g) tại các khu vực địa hình khó khăn ở biên giới như đầm lầy, rừng rậm giáp biên giới các nước Đông Âu, hoặc có thể vào sâu trong lãnh thổ nước này.
Các bộ cảm biến này trước hết sử dụng nguyên tắc từ trường, ghi nhận mọi biến động của từ trường của các phương tiện vận tải hay xe thiết giáp, bộ binh cơ giới. Bên cạnh đó, các cảm biến từ trường được tích hợp với các cảm biến địa chấn, ghi nhận lại những rung động của mặt đất với sự tham gia của các micro ceramic ghi lại âm thanh để nhận dạng chính xác mục tiêu.
Hệ thống thiết bị tiếp nhận và xử lý các tín hiệu OWL bao gồm các máy tính cấu hình cao được lắp ráp trên các xe tải GAZ-233.036 chuyên dụng, có thể điều khiển các bộ cảm biến từ khoảng cách xa hàng trăm km.
Các chuyên gia của Reseauinternational nhận định, để tận dụng tối đa hiệu quả trinh sát, Bộ Quốc Phòng Nga cũng lắp đặt trên các xe tải GAZ-233.036 các thiết bị quang ảnh hồng ngoại thụ động có thể ghi nhận những bức xạ hồng ngoại của các mục tiêu di chuyển với tốc độ khoảng từ 0,3 đến 50 m/s, từ khoảng cách 40 km.
Các thiết bị này sử dụng công nghệ đa sắc từ 19 đến 300 hoặc thậm chí trên 300 dải bước sóng từ vùng hồng ngoại xa đến vùng siêu cực tím để không chỉ thu được các bức ảnh không gian 3 chiều rõ nét của mục tiêu mà còn biết đọc các đặc tính bí ẩn khác ngay cả trong những trường hợp đối phương áp dụng các biện pháp ngụy trang che giấu tinh vi nhất.
"Với hệ thống cảm biến đa năng OWL SBRM, Nga có thể nhận diện rõ từng loại vũ khí đồng thời giám sát mọi động thái chuyển quân của NATO tại các khu vực gần biên giới phía Tây nước này", chuyên gia Valentin Vasilescu nhận định.
Xem thêm: Nga phát triển vũ khí bí mật có thể khiến không quân Mỹ tê liệt.
Nguyễn Hoàng