Guardian thu được một tài liệu nội bộ IS dài 24 trang từ một doanh nhân làm việc với nhóm cực đoan. Mở đầu bản kế hoạch, những kẻ cầm đầu IS khẳng định Thượng Đế đã chọn lựa những chiến binh jihad thực thụ để thành lập một "nhà nước" Hồi giáo, sau khi các thành trì của nhà nước ấy "sụp đổ do tay chủ nghĩa phục quốc toàn cầu của người Do Thái tại al-Astana (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) 100 năm trước". Đây là những lời lẽ ám chỉ sự sụp đổ của đế chế Ottoman năm 1924.
Tài liệu này nói rằng, việc thành lập IS không chỉ dựa trên cơ sở là chiến binh jihad mang vũ khí và chiến đấu, cũng không dựa vào rao giảng tại đền thờ Hồi giáo hay trên đường phố, mà phải là một hệ thống chính quyền hoàn chỉnh, đòi hỏi những kẻ cầm đầu phải hiểu rõ.
IS cho rằng, để thực hiện được mưu đồ đó, chúng cần một hệ thống đời sống Hồi giáo, một bản hiến pháp theo kinh Koran và một hệ thống thực thi hiến pháp. Đáng chú ý, bản kế hoạch khẳng định "sẽ không được hạn chế vai trò của trình độ, kỹ năng chuyên môn trong việc đào tạo thế hệ hiện tại về quản lý nhà nước".
IS nói rằng, ngay từ đầu cuộc nổi dậy tại Syria chống lại những kẻ Nusayris (một từ dùng để miệt thị người sắc tộc Alawites tại Syria), các chiến binh jihad đã xuất hiện đông đảo vì tôn sùng tôn giáo. Nhưng IS chỉ trích một số người "mang theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Arab và sự cao ngạo của bộ lạc mình, còn những người khác chỉ sốt sắng và sẵn sàng tham gia mà không có mục tiêu Hồi giáo".
Tuyên bố thành lập
Sau phần lời giới thiệu, bản kế hoạch của IS được chia thành 10 chương, từ tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, tới tổ chức lực lượng chiến binh, quản lý nguồn tài chính, giáo dục cho đến truyền thông.
Trong chương I, nói rằng việc chúng tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo khi năm 2006 là kết quả khi chúng nhận ra chúng thất thế trong cuộc chiến với những kẻ sùng đạo khác, vì không có một thủ lĩnh tối cao có thể tập hợp người Hồi giáo dưới một ngọn cơ duy nhất và là biểu tượng cho sức mạnh của họ.
Chúng nói rằng, Mỹ và các đồng minh trước đó đã phá hủy dự án thành lập nhà nước của chúng sau khi họ thành lập phong trào Sahwa của người Hồi giáo Sunni tại Iraq và tấn công hậu phương Sunni của IS tại đây. Sahwa chủ trương truyền đạo gắn với phi bạo lực.
Sau khi cuộc nội chiến bùng lên ở Syria, IS nói rằng chúng đã tấn công những kẻ Nusayris tại đây, và "phá hủy những trụ cột của chính quyền Assad nhờ những bài học được đúc kết từ những kẻ cầm đầu trước đây". IS muốn bảo toàn phong trào jihad tại Syria, không định hình chúng theo khuôn khổ kiểu phương Tây.
Việc tuyên bố hình thành nhà nước Hồi giáo tại Syria, theo tài liệu, là một đòn giáng mạnh vào các thể chế phương Tây, giữa lúc họ tiếp tục theo đuổi chính sách sử dụng lực lượng Sahwa tại Iraq. Phương Tây cho rằng Sahwa có thể đặt dấu chấm hết cho IS, sau khi Sahwa khiến dự án đó chịu tổn thất lớn.
Tài liệu còn nói rằng, những kẻ cầm đầu IS đã xử lý thành công những rắc rối phát sinh, mà một trong số đó là việc tên al-Joulani (cựu thủ lĩnh al-Qaida tại Syria - tiền thân của IS) tuyên bố không tham gia IS, dù từng tuyên bố trung thành với nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Hành động này bị xem là cố tình gây chia rẽ trong hàng ngũ chỉ huy và phá hoại dự án nhằm phục vụ lợi ích cá nhân.
Cai quản chiến binh
Sau chương về tuyên bố khai sinh nhà nước Hồi giáo tại Syria, IS đã hoạch định chi tiết công tác tổ chức, nhân sự, với mục tiêu khiến mọi chiến binh từ khắp nơi trên thế giới cảm thấy như người một nhà, không có sự phân biệt đối xử, để họ thực sự thuộc về IS.
Theo đó, khi cuộc nội chiến tại Syria bước sang năm thứ hai, các tay súng Shitte từ nhiều quốc gia đã tới Syria để chiến đấu trong phe chính quyền Assad, vốn bị cáo buộc là gây ra tội ác với người Sunni. Điều này đã làm dấy lên một làn sóng di cư của hàng nghìn thanh niên Hồi giáo, để chiến đấu trong hàng ngũ người Sunni.
Hàng nghìn người di cư tới Syria để chiến đấu cùng các chiến binh jihad mà không biết rõ đường hướng của bất kỳ phe nào, các liên minh hay chương trình nghị sự bí mật của họ. Do vậy, tài liệu khẳng định, cần thiết phải chuẩn bị một chương trình kỹ lưỡng để thu hút những người di cư như vậy.
Đa số những người di cư đầu tiên đến từ các quốc gia vùng Vịnh và Tây Bắc Phi, bị thôi thúc bởi sự sốt sắng dành cho tín ngưỡng. Ngoài ra còn có những người thấy lo lắng cho những người anh em Arab dòng Sunni, nhưng không theo tư tưởng jihad và cũng không hiểu rõ các tổ chức jihad toàn cầu.
Sau khi IS tuyên bố thành lập, đã xuất hiện làn sóng thanh niên từ các quốc gia có ít người theo đạo Hồi đồ về. Sau đó, thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh lập các khu trại cho những người di cư mới tới ở biên giới Iraq - Syria, nhằm rao giảng tư tưởng.
IS nói rằng khu trại này "giúp nuôi dưỡng tình anh em giữa những người di cư và người bản địa, thông qua việc xóa bỏ danh tính trước đó của người di cư, và khiến họ trở thành cư dân của gia đình IS".
Theo nhóm cực đoan, ban đầu các chiến binh nước ngoài gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Xu hướng ngả theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chia rẽ theo sắc tộc, đã khiến người nước ngoài mất đi sự hào hứng khi chiến đấu cùng nhau. Tài liệu của IS nói rằng, nếu không có đạo Hồi thì chúng sẽ không thể gắn kết được với nhau
Những kẻ cầm đầu IS cũng tin rằng tiếng Arab phải là ngôn ngữ xếp trên các ngôn ngữ khác của người di cư, bởi kinh Koran viết bằng tiếng Arab, lời tiên tri được nói bằng tiếng Arab, và các phong tục của cộng đồng người Hồi giáo phần nhiều là của người Arab. Do vậy, ngôn ngữ Arab sẽ phải được truyền dạy cho những người di cư nước ngoài, để loại trừ những đặc điểm ngôn ngữ và tín ngưỡng nước ngoài có thể khiến người Hồi giáo cảm thấy khó chịu.
Tài liệu của IS khẳng định việc thống nhất đời sống, văn hóa và ngôn ngữ của người di cư chính là chìa khóa đảm bảo cho việc đoàn kết các chiến binh, và hiện thực hóa việc họ hoàn toàn thuộc về IS, dù người di cư đến từ mọi ngõ ngách trên thế giới.
Hoàng Nguyên