Thuật ngữ "tin giả" trở nên phổ biến trong năm qua khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng nhiều lần để công kích giới truyền thông. Tuy nhiên, khái niệm này đã xuất hiện từ rất lâu, trong một tài liệu đào tạo gián điệp tuyệt mật được Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Liên Xô biên soạn gần 30 năm trước, theo Daily Beast.
Tài liệu dày 108 trang này có tựa đề "Tình báo chính trị từ lãnh thổ Liên Xô" với lời nói đầu: "Được phê chuẩn bởi Tổng cục 1 KGB làm tài liệu giảng dạy cho học viên Học viện Andropov trong chương trình kỷ luật đặc biệt và cho các đặc vụ hoạt động ở nước ngoài". Học viện Andropov là trường đào tạo điệp viên của KGB và tài liệu đóng dấu mật này được một cơ quan an ninh châu Âu chuyển cho phóng viên Michael Weiss của Daily Beast cách đây vài tuần.
Tài liệu hướng dẫn các điệp viên KGB cách thức tuyển mộ và điều hành mạng lưới đặc vụ nước ngoài, cách xây dựng cơ sở cung cấp thông tin tình báo trong các cơ quan, tổ chức, hay cách tiếp cận và chuyển hóa mục tiêu. Điều đáng chú ý là tài liệu này cũng đào tạo cho điệp viên KGB những kỹ năng cần thiết để tung các thông tin "hỏa mù", "tin giả" nhằm gây bất lợi cho đối phương.
KGB gọi đây là "các biện pháp chủ động", được định nghĩa là "hành động cố tình tung tin thêu dệt cho kẻ thù, đặc biệt là các thông tin, tài liệu được chuẩn bị công phu, để khiến đối phương bối rối và đưa ra những quyết định, hành động đáp ứng lợi ích của Liên Xô".
Cơ quan tình báo Liên Xô khẳng định biện pháp cung cấp tin giả được thực hiện nhằm phá hoại vị thế của chủ nghĩa đế quốc tại nhiều nước trên thế giới, gia tăng mâu thuẫn trong các nhà nước, đảng phái chính trị và cá nhân cụ thể, nhằm đối phó với những chiến dịch chống Liên Xô và gây ảnh hưởng tới kết quả của các cuộc đàm phán về chính trị, thương mại với nước ngoài.
Một "biện pháp chủ động" khác trong chiến thuật của KGB là cung cấp thông tin có thật, nhưng là thông tin tiêu cực với ý đồ biến nó thành vũ khí chống lại một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào đó. "Biện pháp 'phơi bày sự thật' này được sử dụng để cho dư luận thế giới hay người dân nước đó thấy những kế hoạch và ý đồ xấu, chẳng hạn như hành động lôi kéo bè cánh chính trị quân sự của kẻ thù", tài liệu của KGB viết.
KGB đánh giá các chiến dịch "phơi bày" này có thể tạo nên ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành dư luận ở nước ngoài theo hướng có lợi cho Liên Xô, tăng cường cảm tình chống Mỹ ở nhiều nước, thúc đẩy phong trào phản chiến trên thế giới.
Theo bản tài liệu mật, các "biện pháp chủ động" được thực hiện dưới hình thức "xuất bản bài viết trên báo nước ngoài, xuất bản sách, tờ rơi dưới tên tác giả nước ngoài, tổ chức các chương trình truyền thanh, truyền hình, họp báo và phỏng vấn với người có vị trí cao trong nhà nước, tổ chức chính trị và dân sự, các nhà khoa học nổi tiếng…"
Trong chiến thuật này, các nhà báo và bình luận viên nước ngoài có giá trị đặc biệt, bởi họ có thể dễ dàng truyền tải quan điểm theo định hướng của KGB trên phương tiện thông tin đại chúng.
Weiss cho biết tài liệu này hiện vẫn chưa được giải mật ở Nga, bởi nó vẫn chứng tỏ được giá trị và thể hiện hiệu quả đối với lực lượng tình báo của Moscow. Chiến thuật được hướng dẫn trong tài liệu này rất giống với những cáo buộc về việc Nga sử dụng các "tin giả" để gây nhiễu loạn dư luận nhằm tạo thuận lợi cho ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Các điều tra viên trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho biết những thông tin không đúng sự thật được các tài khoản giả mạo có liên quan đến Nga tạo ra trên Twitter, sau đó được dẫn lại bởi một số nhà báo chính thống, thậm chí là cả Tổng thống Trump.
Steven Hall, cựu điệp viên kỳ cựu của CIA, cho rằng với sự phổ biến của Internet hiện nay, chiến thuật cũ của KGB vẫn có thể được áp dụng hữu hiệu và thậm chí còn lợi hại hơn.
Ngày nay, "tin giả" có thể được tung ra dưới dạng những lời đồn đoán mơ hồ như "Có lẽ CIA tạo ra virus Ebola để làm hại người châu Phi", "Bà Hillary Clinton dường như đã bị đột quỵ"… được đăng trên Facebook hay Twitter. Chúng không được tạo ra để thuyết phục người đọc phải tin, mục đích của chúng là khiến họ hoài nghi tất cả, kể cả những điều đúng sự thật, biến những thứ tưởng như thực tế khách quan trở nên vô nghĩa.
Công dân người Mỹ Paul Horner ở Laveen, bang Arizona năm ngoái lập ra một loạt website với các tên gọi mập mờ như Newsexaminer.net để khiến người đọc tưởng rằng đây là trang tin tức thực sự. Anh ta sau đó đăng nhiều tin giả lên website và Facebook, với rất nhiều thông tin bịa đặt được cho là có ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái.
Trong số những tin giả mà Horner dựng lên có cáo buộc cựu tổng thống Obama là người đồng tính và Hồi giáo cực đoan, hay người biểu tình được đảng Dân chủ trả 3.000 USD để phản đối Trump. Những tin giả này sau đó được rất nhiều người ủng hộ Trump đăng lại mà không thèm kiểm chứng.
Horner cho rằng nhờ chiến dịch tung tin giả của anh ta, ông Trump mới đắc cử Tổng thống Mỹ. Giới chức Mỹ cho biết Horner chết trên giường ngủ trong nhà mẹ hôm 18/9 vì dùng thuốc quá liều.
Theo Hall, sự lợi hại của chiến thuật tin giả là một khi thông tin sai lệch được bơm vào đầu dư luận, rất khó để có thể lần ra nguồn gốc cũng như xóa bỏ ảnh hưởng tiêu cực của nó tới người đọc.
"Báo đài, truyền hình không có được độ phủ và năng lực như Internet, nơi bất cứ ai cũng có thể sản xuất nội dung chỉ bằng bàn phím và một cú nhấp chuột, thậm chí là bằng những thuật toán tự động", Hall nói.
Trí Dũng