"Vấn đề quản lý tài chính cá nhân tôi thường nói ra rả, có điều các bạn trẻ thường không chịu nghe, hoặc không đủ kiên nhẫn để làm:
Thứ nhất, quỹ khẩn cấp (Emerguncy Fund) nên đổ đầy khoảng sáu tháng chi tiêu, ví dụ mỗi tháng chi tiêu tầm 10 triệu, thì quỹ khẩn cấp phải là 60 triệu đồng.
Ngoài ra số tiền này phải là tiền mặt hoặc vật gì đó có giá trị thanh khoản cao.
Nếu bạn là người có thu nhập chính trong nhà, thì quỹ khẩn cấp phải là chi phí cả gia đình. Cá nhân tôi trích quỹ khẩn cấp 12 tháng chi tiêu.
Thứ hai, sau khi đổ đầy vào quỹ khẩn cấp thì hãy đến 'Rainny day fund' là khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích mua sắm cố định (như tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy, ôtô...). Khoản này có thể chia làm nhiều phần với các hạng mục khác nhau, tùy bạn.
Thứ ba, sau đó mới đến các 'quỹ tài sản tăng trưởng', như bất động sản, vàng, tiết kiệm, USD, cổ phiếu bluechip, trái phiếu chính phủ, quỹ mở... là những khoản mà bạn biết chắc chắn chúng sẽ tăng theo năm tháng, tuy nhiên lợi nhuận có thể chỉ loanh quanh 8-15% một năm.
Cuối cùng là các khoản "đầu tư mạo hiểm", nơi mà bạn xác định làm chơi ăn thiệt, trúng thì vui, xui thì cười với biên độ dao động lớn. Khoản này thường chiếm khoảng 5% hoặc tối đa NAV (Net Asset Value, giá trị tài sản thuần, được tính bằng tổng giá trị các tài sản trừ đi tổng giá trị các khoản nợ phải trả).
Tôi khuyên vậy nhưng các bạn trẻ hiện tại thì toàn làm ngược, và toàn "all in", không ai chịu 'giàu chậm'".
Độc giả Minh Pham chia sẻ kinh nghiệm tài chính cá nhân như trên, sau bài viết 'Lương 21 triệu nhưng không có 700 nghìn cho bố đi viện'.
Bài viết trước, tác giả chia sẻ câu chuyện "đọc được một bài chia sẻ của chàng trai 31 tuổi, lương 21 triệu một tháng, con số không phải là ít. Thế nhưng, khi bố bị tai nạn phải nhập viện, anh không có nổi 700 nghìn đồng để giúp bố.
Trong ví chỉ còn 126 nghìn, anh lặng người đứng nhìn bố gom từng đồng tiền lẻ, những đồng tiền nhàu nát từ việc bán rau, đồng hành, để đóng viện phí. Khoảnh khắc ấy, anh chợt nhận ra mình chẳng khác gì một kẻ trắng tay".
Từ đó, tác giả nêu ý kiến cho rằng cần rằng nghèo hay giàu đôi khi không phải do thu nhập, mà do cách chúng ta sử dụng nó, và nên tập thói quen để tiền vào quỹ khẩn cấp.
Hữu Nghị tổng hợp