Theo đại diện NXB Trẻ - đơn vị phát hành, tác phẩm như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời Trịnh Công Sơn. Sách có ba chương: Dấu chân địa đàng, Tuổi đá buồn và Để gió cuốn đi. Chương đầu là những ngày tháng còn thơ ấu, khi tình yêu âm nhạc của Trịnh Công Sơn dần được nuôi dưỡng. Âm nhạc của ông mang nỗi buồn về một miền xa xăm, khởi nguồn từ tình yêu của mẹ và tư tưởng Phật giáo.
"...Thế giới Trịnh Công Sơn là một vòng khép kín, giống như một lâu đài bằng đá ngày xưa, tĩnh mịch trong rừng, trong đó bằng sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, Sơn thu nhận mọi thông tin về kiếp người và Sơn lơ đãng ngồi ký tên vào từng viên đá. Gần như quán xuyến tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn diễn ra trong cung la thứ, chuyển tải hết cả biến cố của một đời người" (trích tác phẩm).
Chương hai đưa người đọc đến những ngày hoạt động âm nhạc sôi nổi của Trịnh Công Sơn, từ những ngày còn đi học đến khi có những sáng tác đầu tiên cho thiếu nhi. Khi tình hình chiến tranh căng thẳng, ông chọn cho mình những bài nhạc phản chiến, những góc tối u uất của số phận con người. Rồi ông tìm thấy Khánh Ly, viết tình ca, trở về với chất thơ, chất Huế trong con người.
"Trịnh Công Sơn bắt đầu viết nhạc phản chiến cùng lúc anh phải tiếp cận với cuộc chiến qua thời gian sống ở B’lao. Từ đó trở đi, tư tưởng phản chiến trở thành một ám ảnh thường trực của tâm hồn anh, một nỗi đau đớn trĩu nặng, héo mòn mà không do một căn bệnh nào hết. Từ đấy, Trịnh Công Sơn trở thành nhạc sĩ phản chiến lừng danh và duy nhất của Việt Nam" (trích tác phẩm).
Trong những ngày viết nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn bị sự truy lùng gay gắt của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Những bản nhạc ông viết cho ca sĩ Khánh Ly hát dần bị tịch thu và việc in ấn cũng trở nên khó khăn. Thế nhưng, âm nhạc của ông vẫn đến được với công chúng, vẫn gây chấn động, lóe lên thứ ánh sáng mạnh mẽ cho con người trong những ngày chiến tranh loạn lạc.
"Thời kì dạy học ở B’lao, Trịnh Công Sơn đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm mang tên Phúc âm buồn, Chiều một mình qua phố, Gia tài của mẹ, Người hát bài quê hương, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng. Có thể nói, những ngày sống ở B’lao đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn, đẩy anh chìm sâu vào tận đáy máu lửa của lịch sử, để trở thành một nhạc sĩ phản chiến gắn liền với số phận của dân tộc" (trích tác phẩm).
Bên cạnh nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn dành thời gian còn lại cho tình ca. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhạc điệu của Trịnh Công Sơn không có những biến tấu phức tạp nhưng chân thành và giản dị, dễ đến với mọi người. Những bài hát như Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ... đã chứng tỏ phong cách riêng của Trịnh Công Sơn. Tác giả viết: "Chính ca từ của Trịnh Công Sơn mới khiến người ta lạ lùng, và dành cho Trịnh Công Sơn một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam, một vị trí dành cho nhà thơ, giữa những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam thời tiền chiến, cả bây giờ cũng thế".
Chương ba dẫn người đọc về những ngày trầm ngâm của Trịnh Công Sơn, để cảm nhận những hoài niệm, ưu tư của ông về âm nhạc, về những mối tình. Sách viết: "Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà người nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: Sự bất tử. Trịnh Công Sơn không có nhà cửa nguy nga, của cải vật chất và không có vợ con riêng. Nhưng Trịnh Công Sơn có một cái tên để lưu truyền cho hậu thế. Và tất cả đó để làm gì? Cũng theo lời bài hát của Sơn, Để gió cuốn đi".
Tam Kỳ