Chương trình Music Home phát sóng tối 26/3 tái hiện chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua âm nhạc và ký ức của người thân, bạn bè ông, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất cố nhạc sĩ (1/4/2001). Êkíp thực hiện buổi phỏng vấn với em gái cố nhạc sĩ - bà Trịnh Vĩnh Trinh - tại nhà riêng của ông, ở số 47C Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). Kể về lý do nhạc sĩ đến với âm nhạc, bà Trinh rưng rưng nhớ lại: "Năm anh Sơn 18 tuổi, ba mất, để lại mẹ và bảy người em. Lúc đó, anh còn quá trẻ, không biết phải làm sao. Mấy tháng liền, trời nắng chang chang, anh lên mộ ba ngồi cả ngày. Anh ốm nặng một trận. Khi khỏi, anh nhờ má mua cho cây đàn để viết nhạc".
Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng viết: "Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng. Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên". Những bản nhạc đầu tiên của ông đã thất lạc. Ca khúc đưa Trịnh Công Sơn đến với khán giả là Ướt mi, được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, nổi tiếng ở Sài Gòn qua giọng ca Thanh Thúy.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh kể ở tuổi 18, trở thành trụ cột gia đình, Trịnh Công Sơn loay hoay không biết phải bắt đầu thế nào. Ông mua rất nhiều sách để đọc và dạy các em. Ông bắt năm em gái tập đi mỗi sáng với một quyển sách được đặt trên đầu, phải bước đi sao cho duyên dáng, khoan thai. Ông coi trọng lễ nghi, luôn dặn dò các em không được gắp thức ăn trước người lớn trong bữa cơm, không được chống hai tay trên bàn khi có bề trên. Ông nghiêm khắc, từng đánh đòn em nhưng sau này, ông hối hận nói: "Lúc đó anh còn trẻ quá, chẳng biết làm sao".
Bà Trịnh Vĩnh Trinh nói con người anh trai có một góc trẻ con, vì vậy, ông thích nhiều đồ chơi nho nhỏ như con vịt, cái trống gỗ. Hàng ngày, ông sống, làm việc giản dị, có thể ngồi bất cứ góc nào, đàn vu vơ rồi viết nhạc.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - một trong những người bạn của Trịnh Công Sơn - có mặt ở trường quay, kể kỷ niệm với cố nhạc sĩ. Hai người quen nhau từ năm 1983, khi Trịnh Công Sơn ra Hà Nội dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1984, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo cùng đến nhà Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn thăm ông, được nhạc sĩ đàn, hát cho nghe bài Nhớ mùa thu Hà Nội. Cố nhạc sĩ nói câu "phố xưa nhà cổ, mái ngói thơm nâu" lấy cảm hứng khi đứng trên lan can nhà ông Thuỵ Kha. Trong ký ức của nhà thơ, cố nhạc sĩ rộng rãi, phóng khoáng với bạn bè.
Sau này, khi vào Huế, Nguyễn Thụy Kha ngủ lại ở nhà của Trịnh Công Sơn, lúc này do ông Hoàng Phủ Ngọc Tường coi sóc. Ngủ trên chiếc giường đàn anh từng nằm, Thuỵ Kha nổi hứng sáng tác bài thơ Vắng cách tặng Trịnh Công Sơn, nói về nỗi nhớ của ông với xứ Huế.
"Những con đường ngòn ngọt vị đường
Tà áo em dáng bay nhè nhẹ
Bao ô vườn hoàng hôn của Huế
Núi Ngự Bình tôi từng căng đàn dây
Bao năm rồi lòng tôi gẫy cùng cây
Nỗi vắng cách cũng là cơn bão lớn
Có còn đôi khi chỉ là mùi cơm hến
Một tinh sương văng vẳng dốc Phú Cam
Huế ra đi tĩnh mịch choáng vào hồn
Chính vì thế Huế gần ngay nhịp thở
Tôi có thể giận hờn như giận hờn người thương
Nhưng lẽ nào lại quên mình có
Hơi sông Hương mảnh gương mờ bụi quá
Cho tôi bay đàn chim phía Tràng Tiền
Sao im thế, sao lạnh tờ thành cổ
Lá sen già ủ lại chút hương riêng..."
Khách mời còn lại của chương trình - hoạ sĩ Lê Thiết Cương - nói về mảng hội hoạ của Trịnh Công Sơn. Lần đầu hai người quen nhau năm 1997, tại triển lãm của một số hoạ sĩ Hà Nội tại Sài Gòn. Khi đến nhà Trịnh Công Sơn ăn cơm, anh ngạc nhiên khi thấy vẻ đẹp tự nhiên toát lên từ các tác phẩm của ông. Nhạc sĩ vẽ chân dung bà Trịnh Vĩnh Trinh - không có mắt nhưng vẫn toát lên thần thái của em gái. Một bức khác của ông chỉ là những vệt sơn dầu quét ngang trên toan nhưng vẫn hài hòa. "Anh Sơn vẽ cũng như sáng tác, hoàn toàn tự nhiên. Tranh và nhạc của anh toát lên vẻ đẹp của sự vô lý", Lê Thiết Cương nói. Hoạ sĩ lấy dẫn chứng nhiều ca từ của ông không thể vẽ minh hoạ theo lối rõ ràng như "Rừng xưa đã khép em hãy ra đi" (bài Rừng xưa đã khép) hay "Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt" (bài Một cõi đi về). Lê Thiết Cương đang thực hiện dự án vẽ tranh cảm tác từ ca từ Trịnh Công Sơn trên nhiều chất liệu.
Hoàng Trang, Hà Lê, Bùi Lan Hương là ba giọng ca tái hiện các tác phẩm của cố nhạc sĩ trong chương trình. Hoàng Trang biểu diễn Cát bụi, Ta thấy gì trong đêm nay, Hãy yêu nhau đi hào sảng, tự nhiên. Tốt nghiệp khoa tiếng Italy (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM), Hoàng Trang rẽ ngang sang ca hát rồi nổi tiếng với các video hát nhạc Trịnh được lan truyền trên mạng xã hội. Cách hát tự nhiên, bản năng của cô chinh phục khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Hà Lê "phá cách" nhạc Trịnh khi đưa các chất liệu như Jazz, R&B vào các bài hát như Diễm xưa, Mưa hồng. Anh còn đọc một đoạn rap khi biểu diễn Biển nhớ. Ba năm nay, Hà Lê theo đuổi dự án Trịnh Contemporary, làm mới các tác phẩm của cố nhạc sĩ.
Music Home ra đời năm 2019, phát sóng theo tháng, do Truyền hình FPT sản xuất, ban nhạc Anh Em của nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn phụ trách nghệ thuật. Trong năm đầu tiên, Music Home phát sóng 14 số, đạt 25 triệu lượt xem. Năm ngoái, chương trình sản xuất 12 số, thu được 34 triệu lượt xem trên mọi nền tảng. Mỗi tập chọn giới thiệu một ca sĩ thuộc nhiều dòng nhạc, từ những tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung đến các ca sĩ trẻ nổi bật như Hòa Minzy, Erik, Binz.
Năm nay, chương trình đổi mới format, khắc hoạ chân dung các nhạc sĩ có nhiều cống hiến. Các số tiếp theo dự định giới thiệu cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Trần Lập, Phó Đức Phương, Văn Cao...
Hà Thu