Nhu cầu sử dụng xăng ngày một tăng. Ảnh. Anh Tuấn. |
Theo phương án điều chỉnh được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung phê duyệt hôm qua, hầu hết các loại xăng động cơ, xăng máy bay, dung môi, naptha, reformatic và các chế phẩm khác để pha chế xăng, dầu nhẹ đều được áp dụng mức thuế chung 5%, thay cho mức cũ 0%.
Các loại dầu thô đã tách phần nhẹ, dầu gốc để pha chế dầu nhờn, mỡ bôi trơn vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu cũ là 5%. Thuế nhập dầu bôi trơn là 10%. Đây là động thái đầu tiên của Bộ Tài chính sau hơn 1 tháng giá dầu thô thế giới xuống mức thấp 58-60 USD/thùng.
Ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Chính sách thuế Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lần này dựa trên cơ sở giá dầu trên thế giới trong tháng qua liên tục có dấu hiệu giảm nhẹ. Hiện giá dầu cập cảng đang dao động quanh mức 60-62 USD/thùng và được coi là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Theo ông, nếu giá thế giới tiếp tục giảm và giữ ở mức thấp, Nhà nước vẫn sẽ điều chỉnh thuế, chỉ khi nào thuế vào đủ mới tính đến kịch bản giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng.
Phương án nâng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra ngay tại thời điểm xăng dầu đang vào mùa tiêu thụ cuối năm, song mức tăng nhẹ 5% dường như không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị đầu mối. Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN thừa nhận, khi giá dầu thô liên tục giảm xuống mức thấp thì áp thuế là việc mà sớm muộn Nhà nước cũng phải làm. Theo ông, mức thuế 5% thậm chí 10% về cơ bản không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. "Có điều, về lâu dài Bộ Tài chính cũng nên tính toán đến việc áp dụng chính sách thuế ổn định để các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình", ông nói.
Theo ông, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm và chịu tác động nhiều vào giá thế giới, trước đây, Nhà nước liên tục sử dụng van thuế để điều chỉnh theo chiều hướng khi giá giảm, thuế suất tăng; khi giá tăng, thuế suất giảm. Gần 1 năm qua, do giá thế giới liên tục đứng ở mức cao nên Nhà nước vẫn tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách để thuế suất 0%. "Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập thế giới, cách điều hành chính sách thuế thời gian qua sẽ không còn phù hợp và khi ấy mặt bằng giá cũng khó điều tiết. Nhà nước không thể thực hiện chính sách bù lỗ mãi, mà giá cả phải để thị trường tự điều chỉnh theo hướng có lên có xuống", ông Bảo nói.
Ông cho rằng, sở dĩ cơ quan Nhà nước còn đắn đo về thời điểm áp thuế trở lại đối với mặt hàng xăng dầu là nhằm bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh tại thời điểm giá thế giới tăng cao. Tính chung 10 tháng đầu năm thì kinh doanh xăng vẫn lỗ khá cao. Riêng Petrolimex, con số này lên đến 5.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2004 và được coi là mức cao nhất trong vòng 50 năm qua. Chỉ tính riêng trong tháng 8 khi giá dầu có lúc lên đến 70 USD/thùng, Petrolimex lỗ khoảng 60 tỷ đồng.
Tại thời điểm điều chỉnh thuế, giá xăng RON95 ở mức gần 64,9 USD/thùng, dầu diezel 63,15 USD/thùng, dầu hỏa 63,25 USD/thùng. Giá xăng cập cảng đang ở quanh mức 62-63 USD/thùng. Với mức giá này trừ đi các khoản chi phí, các công ty lãi gần 400 đồng mỗi lít xăng.
Nhận định về giá cả trong thời gian tới, ông Bảo cho rằng, thông thường thường vào thời điểm mùa đông, nhu cầu sử dụng nhiên liệu của hầu hết các nước đều cao. Do vậy giá thế giới vẫn diễn biến thất thường và chính sách thuế của Nhà nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Việc giảm giá bán lẻ trong nước theo diễn biến thị trường khó xảy ra trong những tháng cuối năm.
Trong lần trao đổi với VnExpress gần đây, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết, riêng việc để thuế bằng 0% mỗi năm Nhà nước đã thất thu gần 10.000 tỷ đồng, chưa kể phải dốc ngân sách ra bù lỗ.
Minh Khuyên