Tôi sinh ra và lớn lên ở Châu Mai, một làng thuộc Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ, cách Hồ Gươm 30 km. Đã có thời, quá nửa trứng vịt lộn ở Hà Nội được phân phối bởi người Châu Mai. Ông nội tôi là người đầu tiên ấp trứng ở làng.
Trứng do đàn vịt đẻ ra, một phần đem bán trứng tươi để ăn. Phần còn lại được đem đi ấp để trở thành trứng vịt lộn vì giá bán cao hơn. Tuỳ mùa, những quả trứng vịt lộn sẽ được chọn lựa tiếp, đem ấp nở thành vịt con để bán làm giống thì được giá hơn nữa.
Hồi tôi tám tuổi, chưa có lồng ấp trứng tự động như bây giờ. Trứng được ấp thủ công trong "pho" (ổ), được đắp bằng chăn bông hoặc chăn giấy tuỳ mùa để duy trì nhiệt độ khoảng 37,5 độ C. Khi người lớn đem trứng "lên Hà Nội" để bán, trẻ con ở nhà sẽ đảo trứng.
Việc cũng không có gì nhiều, hai tiếng một lần chạy vào, nhặt quả trứng áp lên da ở mắt, nếu thấy âm ấm là ổn, thấy lạnh thì đắp thêm chăn mà nóng quá thì gỡ bớt chăn ra. Rồi đảo trứng ở rìa ngoài đưa vào phía bên trong, chuyển trứng ở phía trong ra ngoài để cho nhiệt độ được đồng đều khắp "pho" trứng.
Ngày thứ 24 sau khi trứng được ấp, vỏ trứng xuất hiện những vết rạn. Ngày 25, những cái mỏ mổ xuyên qua lớp vỏ ló ra ngoài, lắng tai nghe kỹ sẽ thấy tiếng lách tách. Ngày 26, lác đác có những chú vịt khoẻ, đạp bung được lớp vỏ ra ngoài thành vịt.
Tôi rất thích quan sát quá trình vịt nở, rồi đi nhặt vỏ để một nơi, nhặt vịt xếp vào rổ. Đến ngày thứ 27, 28 là trứng nở rộ nhất. "Pho" trứng vơi dần, rổ vịt đầy rất mau. Sau ngày này, "pho" chỉ còn sót một ít trứng không thể nở ra thành vịt, gọi là trứng răm, được bán rất rẻ.
Trứng răm có hai loại. Một loại bị chết hẳn trong quá trình ấp do quá nóng hay lạnh hoặc nguyên nhân khác. Loại còn lại, con vịt mổ được vỏ, thò cái mỏ ra ngoài, vẫn nghe tiếng chiêm chiếp, nhưng không đủ sức tách hẳn vỏ để ra ngoài thành vịt.
Nhiều lần, vừa thương vừa tò mò, tôi cố hỗ trợ chúng bằng cách tách hộ lớp vỏ ra. Những con vịt được tách vỏ như vậy thường chết rất mau. Lớp vỏ trứng giống như bài kiểm tra đầu đời của lũ vịt mà người ngoài không can thiệp được.
Trứng vịt lộn nếu bị đập vỡ từ bên ngoài bằng ngoại lực chỉ làm thức ăn. Chỉ có nội lực mổ vỡ lớp vỏ từ phía trong thì mới có một vịt con ra đời.
Những quả trứng làm tôi nghĩ về giáo dục trẻ. Khi thấy con gặp khó một chút, nhiều bố mẹ đã sốt sắng nhảy vào can thiệp giúp con. Khi còn bé, trẻ con chơi bị vấp, người lớn đã vội chạy lại đỡ con rồi "đánh chừa" cục đá, con rửa mặt không sạch cũng rửa hộ con luôn. Con không làm được bài, bố mẹ thuê gia sư về "phụ đạo" - thực ra là làm bài tập giúp. Người bạn học cấp hai cùng tôi thi trượt vào chuyên cấp ba cũng được bố mẹ nhờ các mối quan hệ để đưa con vào.
Lớn hơn, con ra trường chưa có việc làm, bố mẹ nhanh chóng chạy việc giúp. Con được vào công ty nhỏ, bố mẹ lại chạy chọt xin vào công ty lớn hơn. Rồi cả đến khi lập gia đình, có những bố mẹ vẫn tiếp tục chạy theo lo hộ con như mua nhà, sắm xe, quyết định hộ luôn việc quan trọng.
Tôi nghĩ, cũng có thể do những bố mẹ ấy từng phải bươn chải để vượt qua những ngày khó khăn trong quá khứ nên luôn có nỗi sợ mơ hồ là con mình thua thiệt. Vì thế, theo bản năng, họ luôn chạy theo "tách vỏ" hộ con. Có một thế hệ "cha mẹ trực thăng" ở Trung Quốc, lúc nào cũng bay vè vè trên đầu hộ tống con. Đến khi bố mẹ già, con vẫn chỉ là đứa trẻ nhiều năm.
Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người vì chiều lòng cha mẹ mà thi vào chỗ này, chỗ kia, hy sinh sở thích để "vào nhà nước cho ổn định". Và rồi suốt đời, những con vịt bị bóc vỏ hộ ấy vẫn luôn cảm thấy có gì đó thiếu thốn, luôn tìm kiếm một chiếc vỏ để chui trở vào vì không chịu được áp lực cuộc đời.
Làm sao để trẻ được phát triển theo đúng sức của mình? Sức con học trường thường thì đừng bắt con học trường chuyên. Sức con chỉ làm nhân viên bình thường đừng cố nhấc lên trưởng phòng, giám đốc. Chúng ta có thể theo dõi con trong thận trọng, nhưng không cần hoảng loạn. Bố mẹ chỉ quan sát từ xa, khi thật cần thiết mới chỉ dẫn thêm để chúng tự làm. Như quá trình ấp trứng vịt, người bên ngoài có thể hỗ trợ đảm bảo nhiệt độ bằng cách thêm, bớt chăn, đảo trứng cho đều, nhẫn nại chờ bọn vịt chui ra để đưa chúng về đàn. Còn chiếc vỏ cứng cuộc đời, ta vẫn phải để tự vịt con dùng mỏ mổ và chân của mình đạp vỡ chui ra.
Khi gia nhập Google, tôi thấy công ty có chế độ phúc lợi dành cho nhân viên có cái tên khá lạ tai là ReThink. Chương trình nhằm hỗ trợ các bố mẹ chăm sóc con khác biệt trong cách học, họ sử dụng cụm từ "sự khác biệt trong cách học" (learning differences) thay cho các từ mang nghĩa kém tích cực như "trẻ chậm phát triển" "trẻ tự kỷ", "chậm phát triển".
Mọi đứa trẻ đều bình thường, chỉ có cách chúng học và tương tác với thế giới này khác nhau.
Có lần, tôi lấy những quả trứng chưa nở nhưng còn hơi ấm đem đi ấp thêm "một cách đặc biệt". Với chút may mắn, thêm vài chú vịt con bước ra, chiêm chiếp. Nếu ta đừng vội tách vỏ hộ để vịt có thể chết mà chỉ kiên nhẫn đợi và hỗ trợ khi rất cần, những vịt con dù nở muộn và hơi còi vẫn trở thành cá thể đặc biệt cho đời.
Lê Văn Thành