Tại buổi tọa đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam" diễn ra chiều ngày 14/2, ông Trần Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT, đơn vị sở hữu 2 mạng di động Vinaphone và Mobifone) cho biết đề án tái cơ cấu tập đoàn trình lên Chính phủ từ 5/2012, trong đó có đề xuất sáp nhập 2 nhà mạng làm một. Tuy nhiên, quan điểm này không được chấp nhận nên VNPT đã phải nghiên cứu lại.
"Sau khi cân nhắc, phân tích ưu nhược điểm về kinh tế, quyền lợi khách hàng, chúng tôi thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tách Mobifone và giữ lại Vinaphone", lãnh đạo VNPT nói. Đây được đánh giá là phương án có nhiều ưu điểm.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Mobifone là thương hiệu mạnh, hoạt động độc lập và có nhiều kinh nghiệm hơn so với Vinaphone. "Tách Mobifone sẽ giúp cổ phần hóa nhanh chóng và doanh nghiệp vẫn có điều kiện để phát triển", ông Hải cho biết. Thêm vào đó, đề án tái cơ cấu mới có kèm một số phương án do VNPT đề nghị vẫn đảm bảo cho tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh. Dự kiến trong quý I/2014, Chính phủ sẽ có câu trả lời chính thức cho vấn đề này. Nếu được phê duyệt, Việt Nam sẽ có 3 nhà mạng lớn tạo thế "chân vạc", tăng tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Mobifone khẳng định đơn vị sẽ triển khai đa dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin chứ không bó hẹp trong nghề chính là thông tin di động hiện nay. "Tách ra sẽ là cơ hội cho Mobifone bởi với những gì đang làm được, chúng tôi có thể cạnh tranh trên thị trường", ông Minh nhấn mạnh.
Lãnh đạo nhà mạng cũng cho biết sau khi được phê duyệt tách khỏi VNPT, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo thay đổi về công nghệ, quản trị doanh nghiệp tốt hơn và tầm nhìn xa là tạo ra thị trường cạnh tranh.
Chủ tịch Mobifone không đưa ra thời gian cụ thể cho lộ trình cổ phần hóa mà khẳng định sẽ "sớm nhất có thể". Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự tính sẽ mất khoảng 2 năm để cổ phần hóa xong Mobifone. Còn theo Cục trưởng Phạm Hồng Hải, giai đoạn 2014-2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ hoàn tất quá trình.
Tại Việt Nam, ba mạng viễn thông lớn nhất (Viettel, Mobifone, Vinaphone) vẫn là các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, theo các chuyên gia viễn thông cũng như kinh tế, môi trường hiện tại vẫn chưa thực sự là cạnh tranh mà chỉ khi có sự góp vốn của các đơn vị tư nhân thì điều này mới diễn ra.
Anh Quân