Theo lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đề án tái cấu trúc đơn vị đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ vào tháng 9/2013, dự kiến trong quý I năm nay sẽ phê duyệt. Trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là tách Vinaphone hay Mobifone khỏi VNPT để cổ phần hóa, nhằm mang lại hiệu quả hoạt động và lợi ích cho doanh nghiệp.
Quan điểm của Bộ cho rằng phương án tách Mobifone khỏi VNPT để thành lập một đơn vị viễn thông riêng là lựa chọn tốt nhất. Theo Báo Đầu tư, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiêng về phương án trên.
Mạng di động đầu tiên của Việt Nam sẽ có tên mới là Tổng công ty Viễn thông Mobifone sau khi tách khỏi tập đoàn mẹ, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại đây được chuyển từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đó Thủ tướng sẽ sẽ chỉ đạo việc cổ phần hóa Mobifone.
Doanh nghiệp viễn thông mới sẽ tiếp quản hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2, công ty Tài chính Bưu điện. Đây là 3 đơn vị thua lỗ lớn nhất của VNPT lúc này. Một số doanh nghiệp có sự tham gia góp vốn của VNPT cũng được chuyển về Mobifone để thoái vốn theo quy định của pháp luật (bao gồm SACOM, SPT, Vinacap, VNPT Epay...). Vắng Mobifone, VNPT sẽ tái cấu trúc một số đơn vị thành viên, trở thành các tổng công ty quản lý nhóm lĩnh vực gồm hạ tầng mạng, dịch vụ viễn thông và truyền thông.
Lý do chọn Mobifone, theo phía Bộ, là vì doanh nghiệp này đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức kinh doanh, là thương hiệu mạnh trong làng viễn thông Việt Nam và khu vực. Đây đồng thời là doanh nghiệp có giá trị, hấp dẫn các nhà đầu tư nhất trong số các thành viên của VNPT.
Trong khi đó, việc tách Vinaphone sẽ gặp không ít khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp bởi đơn vị hạch toán phụ thuộc, tài sản có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT địa phương. Nhà mạng này cũng không có nhiều kinh nghiệm như Mobifone trong việc quản lý, kinh doanh độc lập.
Quan điểm tách Mobifone, giữ Vinaphone lại trong VNPT cũng được nhiều chuyên gia ủng hộ. Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng thị trường viễn thông tốt nhất chỉ cần một doanh nghiệp nhà nước, với hai hoặc ba doanh nghiệp khác chỉ cần giữ cổ phần. "Đến lúc ấy mới có cạnh tranh thực sự", ông nhận định. Vị chuyên này cũng thừa nhận mất Mobifone, thời gian đầu VNPT sẽ khó khăn tuy nhiên nếu tổ chức tốt sẽ khắc phục được.
Trong khi đó, mong muốn trước nay của VNPT là không cổ phần hóa Mobifone mà thực hiện với toàn bộ tập đoàn cùng các công ty chủ lực sau năm 2015. Doanh nghiệp chủ trương hợp nhất hai mạng Mobifone và Vinaphone vào làm một, dưới cái tên VNPT-Mobile. Tuy nhiên việc này không phù hợp với Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 nên khó có thể thành hiện thực.
Anh Quân