Sáng 19/10, anh bắt đầu đau bụng, lăn lộn không thể đi được, trong khi nước lũ vẫn chia cắt khắp nơi. Sáng hôm sau, anh mới đi nhờ được thuyền ra Quốc lộ 1 để đón xe đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên, khi ấy bệnh viện cũng bị ngập lụt không đủ điều kiện điều trị. Anh một mình thuê xe đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, cấp cứu ngày 20/10.
Bác sĩ Hoàng Minh Hùng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đầy bụng, không đi cầu được, đau dữ dội nóng rát vùng thượng vị. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy ruột bệnh nhân bị giãn rất lớn, đoạn chuyển tiếp ở ruột non có khối bã thức ăn gây tắc ruột.
Bệnh nhân được truyền dịch, đặt ống thông dạ dày, các triệu chứng đỡ dần. Bác sĩ Hùng nhận định bệnh nhân đã ăn lương khô và bắp (ngô) trong 3-4 ngày, trong khi hệ tiêu hóa yếu nên hình thành khối bã làm tắc ruột.
"Bệnh nhân tắc ruột là do ăn quá nhiều bắp", bác sĩ Hùng nói.
May mắn bệnh nhân đến viện kịp thời, nếu muộn hơn có nguy cơ khối bã thức ăn gây viêm loét, phải phẫu thuật.
Lương khô hay bánh lương khô là một loại thức ăn tổng hợp được làm sẵn, ép khô thành bánh với thành phần chủ yếu là chất bột và đường. Đây là thực phẩm có thể dự trữ lâu dài để ăn dần, dễ bảo quản và sử dụng đơn giản, nhanh chóng. Đặc biệt, lương khô là loại thức ăn dã chiến, phù hợp trong điều kiện chiến tranh cũng như những hoàn cảnh khó khăn, cấp bách khác.
Bác sĩ cho biết, tắc ruột do bã thức ăn là tình trạng một khối bã thực vật, động vật, lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại, hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống làm tắc ruột non.
Khối bã thức ăn thường hình thành khi ăn thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi; thức ăn nhiều chất xơ như măng, bắp, lương khô... Ăn khi đói, dạ dày trống rỗng, thực phẩm nhiều chất xơ, nhiều nhựa dễ bị kết tủa, dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Ngoài ra, thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc ruột.
Tắc ruột do thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, thậm chí tử vong.