Sáng 10/5, Chi đội kiểm ngư 3 (Đà Nẵng) đông người đến thăm hỏi hơn thường ngày, sau khi hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư Việt Nam được công bố với thế giới.
"Phóng viên nào đăng ký đi Hoàng Sa?" - câu hỏi bất ngờ của một vị cán bộ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển khiến tất cả phóng viên có mặt nhìn nhau hy vọng. Ngoài khơi, giàn khoan 981 cùng cả trăm tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam như những mũi kim đâm vào tim mỗi người. 19 phóng viên đầu tiên ra Hoàng Sa được chốt danh sách trong chớp nhoáng.
Lịch trình bí mật, không biết ngày trở về, mọi người có khoảng 20 phút để chuẩn bị. Số ít anh em được người thân gói vội vài bộ quần áo gửi ra quân cảng, có người chỉ kịp cầm theo chiếc máy quay phim. Tàu rời bến, nhiều phóng viên mới có thời gian gọi điện báo về gia đình. Sóng điện thoại yếu dần, rồi mất hẳn.
Biển mùa hè động như mùa Tết, con tàu kiểm ngư 926 mang đồ đi tiếp tế bị nhồi lên, ấn xuống theo từng đợt sóng. Nhiều người say sóng đến bỏ ăn, tìm mọi chỗ có thể ngả lưng để giữ sức. Giấc ngủ chớp nhoáng bị đánh thức mỗi lần sóng lắc mạnh thân tàu. Đêm đó, nhóm phóng viên quây quần trên boong, ngồi chuyện trò thân tình, gần gũi. Trong tâm thức mọi người, đây là cơ hội hiếm có được chạm đến Hoàng Sa - phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
Một ngày đêm lênh đênh, giàn khoan 981 dần hiện ra ở khoảng cách chừng 10 hải lý (18 km). Tàu cảnh sát biển 4032 áp sát tàu kiểm ngư 926 để nhận lương thực tiếp tế. Bỗng từ nhiều phía, bốn tàu Trung Quốc lao đến bủa vây, ép sát, chĩa vòi rồng hăm dọa. "Toàn tàu đóng kín cửa, khoang máy, phóng viên lên cabin tác nghiệp", khẩu lệnh của thuyền trưởng dõng dạc, tàu kiểm ngư bẻ bánh lái tránh va chạm.
Tàu Trung Quốc màu trắng to gấp bốn lần hú còi, nhằm hướng tàu Việt Nam ầm ầm lao đến. "Tàu Trung Quốc đâm vào tàu ta rồi", một phóng viên trên tàu kiểm ngư la lên. Quan sát bằng mắt thường, tàu Trung Quốc đâm ngang thân tàu 4032 tạo thành hình chữ "T". Tàu cảnh sát biển vội tăng tốc thoát ra ngoài vòng vây. Cách đó vài chục mét, các phóng viên căng thẳng dõi theo, huy động hết phương tiện ghi hình. Đề phòng bị tấn công tiếp, phóng viên hỗ trợ lực lượng chấp pháp quan sát báo tin từ nhiều hướng.
Ngày sau đó, một nhóm phóng viên được lệnh xuống canô di chuyển sang tàu cảnh sát biển 8003. Sóng trập trùng như muốn vùi chiếc canô nhỏ bé xuống lòng biển. "Đã ra đây, mình cũng là những người lính", anh Nguyễn Huy (báo Tiền Phong) nói dù bước đi vẫn chếnh choáng sau mỗi cơn sóng. Những cái bắt tay siết chặt, nụ cười lạc quan luôn thường trực khi tàu đón thêm thành viên mới.
Việc báo chí tác nghiệp ở Hoàng Sa thời điểm này dường như nằm ngoài kế hoạch của tàu, những chiếc giường được dọn vội để nhường chỗ cho nhóm phóng viên. Bữa ăn giữa Hoàng Sa không đơn giản, say sóng không ăn nổi cơm, một phóng viên vừa nằm vừa lùa vội từng sợi mì tôm cầm hơi. Biết cảnh sát biển bốn ngày mới được tắm một lần, đầu tóc phải gọn để tiết kiệm nước, chiều hôm đó hai nam phóng viên kéo nhau lên boong tàu "xuống tóc".
Không bỏ sót bất cứ hình ảnh nào khi tàu chấp pháp Việt Nam tiến sâu vào khu vực giàn khoan, muốn ngay lập tức chuyển tin về đất liền nhưng không có phương tiện, phóng viên nào lòng cũng như lửa đốt. Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, trên tàu 8003 bàn với lãnh đạo: "Anh em phóng viên cực khổ để có mặt ở đây, ai cũng muốn truyền thông tin, hình ảnh về và muốn tuyên truyền tốt thì phóng viên phải truyền được thông tin ngay từ điểm nóng".
Chiều tối 12/5, cảnh sát biển hỗ trợ phóng viên gọi điện thoại vệ tinh về đất liền. Mất đến 4 cuộc gọi, tàu mới kết nối được với phóng viên Nguyễn Thành (Tiền Phong) và Trần Thường (Người lao động) ở Quảng Nam để anh em chuyển tin qua điện thoại. Tiếng người truyền tin khản đặc sau mỗi lần át tiếng sóng biển gầm rú. Trong cuộc liên lạc chớp nhoáng, nhiều người chỉ kịp nhờ đồng nghiệp báo giúp với vợ con: "Anh vẫn khỏe".
Sáng 13/5, tàu Trung Quốc to gấp năm lần tiếp tục đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển 4032 - nơi có phóng viên Lê Phi (Pháp luật TP HCM) tác nghiệp. "Lê Phi đang còn say sóng, không biết có đủ sức chống chịu", anh Nguyễn Huy, trên tàu 8003 cách đó vài trăm mét, lo lắng.
"Xuống tấn" giữ mình không chao đảo, các phóng viên cố gắng ghi lại chi tiết về cuộc tấn công. Chiều cùng ngày, hình ảnh đầu tiên về "thế trận" của tàu Trung Quốc quanh giàn khoan 981 và cuộc tấn công vào tàu kiểm ngư, cảnh sát biển được chuyển thành công về tòa soạn VnExpress từ tàu cảnh sát biển.
Trung tuần tháng 6, biển Đông đón cơn bão đầu tiên. Trên hành trình từ tàu 2015 qua tàu kiểm ngư 635, một nhóm phóng viên khác "lạnh gáy" khi chiếc xuồng nhỏ nhào lên rồi chúi xuống giữa cơn gió mạnh cấp 6, sóng vỗ thẳng vào mặt, cái lạnh thấm vào da thịt. Cá mập ở biển Hoàng Sa lượn lờ, những lần chuyển tàu bằng canô sau đó càng nguy hiểm gấp bội.
"Gần hai tháng rồi, anh em cảnh sát biển, kiểm ngư vẫn can trường, cuộc sống thì thiếu thốn", phóng viên Thanh Tùng trên tàu 635 chia sẻ, "dù điện thoại vệ tinh được cơ quan trang bị để tác nghiệp, nhưng gặp anh thuyền phó từ ngày ra biển chưa liên lạc được với người vợ vừa sinh con nên tôi cho anh mượn gọi về nhà".
Trên hải trình từ Hoàng Sa về đất liền, phóng viên Hoàng Đình Nam (phân xã AFP tại Hà Nội) cho hay, dù chỉ tác nghiệp 3 ngày nhưng rõ ràng từ thực địa, những thông tin Trung Quốc đưa ra rằng "tàu Việt Nam đâm va tàu của họ" là xuyên tạc, bịa đặt. "Trăm nghe không bằng một thấy. Giải pháp của Việt Nam thể hiện tinh thần hòa bình và ổn định ở biển Đông, khác hẳn với cách Trung Quốc đang làm là gia tăng xung đột khu vực", anh Nam nhận định.
Mỗi lần có đoàn phóng viên về đất liền, nhiều cảnh sát biển và kiểm ngư lại viết vội vài dòng thư hoặc mẩu giấy ghi số điện thoại gia đình cùng lời nhắn: "Anh em về giúp tụi mình báo tin với vợ con nhé. Cả tháng nay mất liên lạc, vợ con ở nhà lo lắng". Lần tàu 8003 về bờ, thượng úy Bùi Văn Sơn (quê Hải Phòng) ghì chặt phóng viên trong cái ôm vội, bảo: "Đọc bài về cảnh sát biển, bọn anh đã khóc".
21/6 - tròn 52 ngày từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, những "người lính thông tin" vẫn bám trụ cùng tàu chấp pháp, gửi về đất liền hàng trăm bức ảnh và video, góp tiếng nói khẳng định sự thật, làm bằng chứng tố cáo hành động hung hăng của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực trên Biển Đông.
Nguyễn Đông