Lúc 15h30 ở vị trí cách giàn khoan 12 hải lý, tàu kiểm ngư 762 của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 242 đâm vào mạn trái đài chỉ huy. Cú đâm làm toàn bộ phần boong trung từ đài chỉ huy đến sau lái bị lõm sâu vào trong 70 cm, dài 20 m; lan can bị gãy; xuồng mạn trái bị vỡ phía sau, VTV dẫn nguồn từ lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Đây là lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp, tàu kiểm ngư 762 bị đâm va gây hư hỏng. Trước đó vào chiều 18/6, tàu Dịch vụ dầu khí Hải Dương Trung Quốc số hiệu 252 đã chủ động đâm vào mạn trái của tàu kiểm ngư 762, làm mạn tàu bị biến dạng, hỏng giá cẩu xuồng, thủng xuồng cứu hộ, vỡ hai cửa sổ và bốn đèn chiếu sáng. Tàu 762 đã nhanh chóng khắc phục để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Lực lượng Trung Quốc bảo vệ giàn khoan ngày 19/6 có gần 115 tàu các loại, gồm 39 tàu hải cảnh; 14 tàu vận tải; 19 tàu kéo; 38 tàu cá và 5 tàu quân sự. Các tàu Trung Quốc thường xuyên bám sát, chủ động ngăn cản, ép hướng ngăn chặn tàu của Việt Nam ở khoảng cách 50-200 m.
Trên ngư trường truyền thống của Việt Nam, khoảng 35-38 tàu cá Trung Quốc được sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh 46102 và 44608 dàn hàng ngang, chặn hướng, đẩy tàu của Việt Nam ra xa giàn khoan.
Lần đầu tiên tàu quân sự loại quét mìn lớp T43 xuất hiện, được thả trôi cách khu vực giàn khoan 981 gần 19 hải lý, VOV đưa tin.
Các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam vẫn cơ động cách giàn khoan 9-10 hải lý đấu tranh, tuyên truyền và thực thi pháp luật. Tàu cá của ngư dân vẫn ở khu vực thuộc ngư trường truyền thống để đánh bắt thủy sản và đấu tranh.
Liên quan đến công bố của Cục Hải sự Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Nam Hải 9 ra Biển Đông, đại diện Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, giàn khoan này nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc 50-60 hải lý.
Về khả năng di chuyển Nam Hải trong thời gian tới, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải cho rằng, Trung Quốc sẽ không đưa giàn khoan thứ hai ra Hoàng Sa, vì chưa xác định được chính xác khu vực này có dầu khí hay không.
Hương Thu