Tiến sĩ Trần Minh Trí, Khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh lý Moyamoya khá phổ biến nhưng ít được chú ý. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ hồi phục tốt, tránh nguy cơ tử vong hoặc di chứng, tàn phế.
Bệnh lý Moyamoya do tắc nghẽn mạch máu trong sọ mãn tính, khiến não bị thiếu máu cục bộ hoặc vỡ các mạch máu tăng sinh bất thường ở vùng nhân xám gây xuất huyết nội sọ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 10-14 tuổi, người lớn tuổi từ 40 và ở nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân đến nay vẫn được cho là vô căn.
Theo bác sĩ Trí, biểu hiện lâm sàng thường gặp là các triệu chứng thiếu máu não như đau đầu, ngất, tê tay chân. Các triệu chứng có thể xuất hiện nhiều lần và có thể dẫn đến mất vận ngôn, mù vỏ não hoặc yếu liệt nửa người. Bệnh có thể gây xuất huyết trong não, nhồi máu não và đôi khi động kinh, thậm chí tình trạng đời sống thực vật.
Mới đây một nam bệnh nhân tại Tiền Giang nhập viện Chợ Rẫy do liệt hoàn toàn nửa người bên phải, nằm một chỗ hơn hai tháng và phụ thuộc vào sự chăm sóc của người nhà. Ba ngày sau phẫu thuật bắc cầu động mạch não, bệnh nhân bắt đầu cử động được tay. Bảy ngày sau anh có thể tự đi lại, hiện làm việc nhà không cần sự hỗ trợ của người thân.
Trường hợp khác, một bé trai 5 tuổi thường bị choáng, ngất xỉu, yếu nửa người thoáng qua ở trường. Được chẩn đoán bệnh Moyamoya, sau phẫu thuật, cậu bé hiện khỏe mạnh.
"Đột quỵ ở người lớn tuổi thường do tăng huyết áp, xơ vữa mạch còn ở người trẻ không rõ nguyên nhân. Do đó người trẻ khi có biểu hiện tê yếu tay chân, choáng... cần đi kiểm tra để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời", bác sĩ Trí chia sẻ.
Tỷ lệ xuất huyết não hàng năm khoảng 7%. Đối với bệnh nhân bị xuất huyết não lần đầu, tỷ lệ tử vong 10%, tỷ lệ hồi phục sau phẫu thuật 60-70%. Với bệnh nhân xuất huyết não lần hai, tỷ lệ tử vong lên đến 30% và tỷ lệ hồi phục sau phẫu thuật chỉ khoảng 20%. Nếu không chữa trị, càng xuất huyết não nhiều lần thì nguy cơ tử vong, để lại di chứng càng cao.
Chẩn đoán bệnh dựa trên các phương tiện mạch máu não, cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính nhằm xác định bệnh cũng như các thương tổn não như nhũn não hoặc xuất huyết não.
Điều trị Moyamoya thường phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh. Trường hợp triệu chứng nhẹ chỉ cần điều trị nội khoa. Triệu chứng nặng hơn, bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật bắc cầu động mạch.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch não được xem là phương pháp điều trị tối ưu hiện nay, được áp dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ an toàn cao, tai biến phẫu thuật khoảng 1%. Từ cuối năm 2008 đến nay, khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện vi phẫu thuật bắc cầu động mạch não trong và ngoài sọ trực tiếp trên 50 bệnh nhân Moyamoya. Kết quả ghi nhận thành công trong việc tái tạo tuần hoàn não, cải thiện triệu chứng lâm sàng.
Bác sĩ Trí khuyến cáo, bệnh Moyamoya thường nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý mạch máu não khác như dị dạng mạch máu não, túi phình động mạch não... Vì thế bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa thần kinh nếu xuất hiện các triệu chứng thần kinh sớm, đau đầu kéo dài, hay bị ngất, cơn thoáng thiếu máu não như tê hoặc yếu tay chân, yếu nửa người thoáng qua, động kinh...