Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân bị tắc mạch máu chi dưới, bàn chân hoại tử. Các bác sĩ dùng thuốc kháng đông, phẫu thuật loại bỏ cục máu đông gây tắc mạch chi dưới, thông mạch máu bằng kỹ thuật bắc cầu, sử dụng máy tạo áp lực âm để hút máu, cắt bỏ phần cơ hoại tử.
Ảnh: Bàn chân hoại tử của bệnh nhân (độc giả cân nhắc khi xem)
Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân này ở giai đoạn nặng nhất, may mắn được cứu chữa kịp thời nên giữ lại bàn chân. Nếu chậm trễ hơn, chi dưới hoại tử nặng, bác sĩ buộc phải chọn phương án cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng bệnh nhân. "Chúng tôi đã gặp không ít trường hợp phải đoạn chi do tắc mạch máu vì bệnh nhân không biết, đến lúc bác sĩ can thiệp thì đã muộn", bác sĩ cho biết.
Tắc mạch máu chi dưới là tình trạng thiếu máu cục bộ một phần hoặc toàn phần chi dưới, gây đau đớn, viêm loét, thậm chí hoại tử chi. Bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ việc hình thành các cục máu đông gây tắc mạch máu. Đặc biệt, những người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao hình thành cục máu đông nghiêm trọng từ 3 đến 6 tháng sau khi mắc bệnh.
Bác sĩ giải thích, sau khi xâm nhập vào cơ thể, nCoV sẽ bám vào thụ thể ACE2 có nhiều ở nội mô mạch máu và xâm nhập vào tế bào. Điều này gây ra những tổn thương trong lòng mạch máu, dẫn đến cơ thể kích hoạt giải phóng cytokine, bạch cầu... để tích cực chữa lành những tổn thương. Tuy nhiên, chính hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với mầm bệnh đã góp phần tạo nên những cục máu đông. Không chỉ làm tổn thương não, tim, phổi, thận, cục máu đông còn có thể hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan khác như làm tắc động mạch chi dưới dẫn đến hoại tử phải cắt cụt chi nếu không can thiệp kịp thời.
Một nghiên cứu được các nhà khoa học Thụy Điển, Anh và Phần Lan công bố vào tháng 4, so sánh giữa 4 triệu người không mắc bệnh và hơn một triệu người từng mắc Covid-19, cho thấy sau ba tháng kể từ ngày dương tính nCoV, người đã nhiễm tăng 4% nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu ở đùi hoặc cẳng chân.
Một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc (BMJ) cũng ghi nhận nCoV có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
Để chủ động theo dõi các dấu hiệu hình thành cục máu đông và phòng ngừa nguy cơ tắc mạch máu chi dưới hậu Covid-19, bác sĩ Dũng khuyến cáo người đang có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid... cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để khám, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Cách xác định vị trí cũng như mức độ tắc nghẽn mạch máu chi là siêu âm hoặc chụp mạch máu trên DSA, chụp cắt lớp. Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp gấp mu bàn chân, khoeo chân bệnh nhân để phát hiện sớm tình trạng tắc mạch máu, xử trí sớm, phòng biến chứng nguy hiểm.
Gia Hưng