Ngày 25/1, bác sĩ Nguyễn Văn Phước (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) cho biết, bệnh nhân thừa cân, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type hai, đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19. Bà mắc Covid-19 đầu tháng 12/2021, suy hô hấp, sau hai tuần điều trị tại bệnh viện dã chiến, xét nghiệm âm tính hai lần liên tục nên xuất viện về nhà tiếp tục thở oxy. Sau khoảng một tuần, ngày 4/1, bà khó thở, mệt mỏi tăng dần, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) tụt xuống dưới 80%, được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu.
Lúc này, bệnh nhân khó thở nhiều, phù chân, SpO2 khoảng 80-85% khi thở oxy lưu lượng cao qua mũi (HFNC). Các xét nghiệm, CT scan ngực, siêu âm mạch máu chi dưới... chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng, kèm thuyên tắc động mạch phổi phải, có cục máu đông trong tĩnh mạch sâu chi dưới.
"Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong", bác sĩ Phước cho hay. Ông phân tích huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và thuyên tắc phổi nặng có thể gây tử vong ngay lập tức; viêm phổi nặng sẽ diễn tiến đến ARDS (hội chứng nguy ngập hô hấp cấp) gây suy hô hấp, hoặc xơ phổi do phải thở oxy liều cao trong thời gian dài.
Trong tuần đầu tiên tại phòng hồi sức khoa Nội tim mạch, bệnh nhân liên tục khó thở, mệt mỏi, nguy cơ phải đặt ống nội khí quản cho thở máy. Nhờ bệnh nhân chịu khó hợp tác thở NIV (thông khí không xâm nhập) xen lẫn HFNC, kết hợp thuốc kháng đông heparin, kháng sinh, tập vật lý trị liệu tích cực, hỗ trợ tâm lý nên tình trạng dần cải thiện. Phổi bớt viêm khiến cơn khó thở cũng giảm; các cục máu đông trong phổi và tĩnh mạch sâu tan dần, mạch máu được tái thông.
Quá trình điều trị đang diễn tiến tốt thì bệnh nhân bị một biến chứng khác là giảm tiểu cầu do tác dụng phụ của thuốc kháng đông heparin (HIT - là một biến chứng xuất hiện khi điều trị bệnh nhân phi công người Anh hồi năm 2020). Có thời điểm lượng tiểu cầu chỉ còn 20.000/mm3 máu, trong khi bình thường là 150.000-400.000/mm3 máu, bệnh nhân đứng trước nguy cơ cao chảy máu, đe dọa tính mạng. Người bệnh được đổi thuốc kháng đông ngay, đồng thời theo dõi sát dấu hiệu xuất huyết. May mắn, bà đáp ứng thuốc kháng đông mới, một tuần sau lượng tiểu cầu tăng dần và trở về bình thường.
Đến tuần thứ ba điều trị, bệnh nhân đã cai được máy thở HFNC, chuyển sang thở oxy gọng kính liều thấp. Hình ảnh chụp CT ngực phổi cho thấy các di chứng cải thiện rõ rệt. Hiện người phụ nữ ổn định sức khỏe, vừa được xuất viện, có khả năng hồi phục để tự sinh hoạt. Tuy nhiên bà vẫn cần duy trì tập vật lý trị liệu, thổi bong bóng (giúp tăng độ giãn nở phổi), điều chỉnh dinh dưỡng, dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Phước, mắc Covid-19 là một quá trình "động", bệnh có thể diễn tiến xấu hơn ngay cả khi bệnh nhân đã hết virus trong cơ thể. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ và các tạp chí y khoa có khái niệm Post Covid-19 syndrome hoặc Long covid-19 để chỉ quá trình bệnh lý hậu Covid-19. Ở bệnh nhân trên, dù vượt được qua giai đoạn cấp, âm tính nhưng tình trạng hậu nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là ngay từ đầu bà có biểu hiện bệnh nghiêm trọng, suy hô hấp, phải điều trị hồi sức tích cực (ICU). Bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường và tình trạng thừa cân béo phì cũng là yếu tố khiến các di chứng nặng hơn.
Covid-19 gây tổn thương đa cơ quan: phổi, tim, thần kinh, mạch máu, huyết học, miễn dịch... Trong đó, biến chứng lên hệ tim mạch được xem là nặng nề nhất, bác sĩ Phước cho biết. Covid-19 có thể gây tổn thương cơ tim, màng ngoài tim dẫn đến viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim; nếu không phát hiện điều trị sớm, về lâu dài có thể dẫn tới suy tim. Về hệ mạch máu, virus gây tổn thương nội mạc, rối loạn chức năng đông máu gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, huyết khối nội sọ hoặc nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...
Bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền (tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, hen, COPD...) và F0 trẻ cũng có thể mắc các biến chứng trên.
Cuối tháng 9/2021, Bệnh viện Lê Văn Thịnh thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau mắc Covid-19. Mới đây, bệnh viện đã thành lập thêm một phòng khám chuyên khoa di chứng tim mạch hậu Covid-19, nhằm đáp ứng nhu cầu của cựu F0. Bệnh nhân được thăm khám, tiến hành các cận lâm sàng tổng quát và chuyên sâu (điện tim, siêu âm tim, men tim, D-Dimer..). Bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp tiếp theo, như điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu...
"Các biến chứng hậu Covid-19 điều trị càng sớm càng tốt, giúp giảm triệu chứng và ngăn các di chứng về lâu dài", bác sĩ Phước nói.
Thư Anh