Gần nhà tôi có quán cơm gà xối mỡ. Mỗi ngày, quán này bán không dưới trăm suất, ai cũng khen gà giòn, thơm, da bóng mỡ đầy hấp dẫn.
Nhưng một lần tình cờ ghé vào bếp, tôi suýt nữa không dám ăn lại. Chiếc chảo dầu to đùng, sủi bọt lốp bốp, màu nâu đen như nước cống. Chủ quán thì chiết dầu ăn từ can 30 lít ra rồi đổ vào, can không có dán nhãn, thương hiệu.
Rồi dọc hai bên đường là những xe bán đồ ăn vặt, xiên bẩn. Mỗi tối, nhiều bạn trẻ, sinh viên tụm năm tụm ba vừa cười đùa vừa chọn đồ ăn.
Mỗi lần chạy ngang là tôi bị ngộp thở, khựng lại vài giây vì khói dầu bốc lên nghi ngút. Những xiên cá viên, bò viên, xúc xích... xếp chồng lên nhau trông rất hấp dẫn.
Cái nồi chiên có màu đen, bên trong là dầu ăn cũ. Người bán cứ chiên đi chiên lại đến khi dầu bên trong bị bốc hơi hoặc bị rút cạn thì châm dầu mới vào. Nói là dầu mới nhưng ai cũng rõ chuyện dầu ăn được dùng đi dùng lại, nhiều người vẫn cứ vô tư thưởng thức, mặc cho nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Giới trẻ đặt cho món này cái tên không mấy đẹp đẽ là "xiên bẩn". Xiên que bán dọc vỉa hè hiếm khi được bảo quản tốt, nguyên liệu cũng chẳng ai biết nguồn gốc ra sao.
Thế nhưng, chỉ cần nhúng vào dầu nóng, mọi thứ dường như trở nên an "toàn" hơn. Đồ ăn chiên luôn trông đẹp mắt, mùi chiên thơm thơm kích thích, đánh lừa vị giác khiến chuyện bận tâm đến chuyện thực phẩm bẩn hay dầu chiên tái sử dụng trở nên bình thường.
Thực tế, dầu chiên nhiều lần không chỉ làm món ăn mất đi giá trị dinh dưỡng mà còn sản sinh ra nhiều chất độc hại, có thể gây ung thư, tổn thương gan, tim mạch...
Nhưng nghịch lý là dù ai cũng biết điều đó, những hàng quán bán đồ chiên vỉa hè, cơm chiên vẫn tấp nập khách ra vào. Có lẽ vì sự tiện lợi, giá rẻ và thói quen ăn uống đã chiến thắng lý trí. Người bán cứ thế tiếp tục sử dụng dầu cũ để tối ưu chi phí, còn người mua thì tự trấn an rằng "ăn một chút chắc không sao".
Nhưng nếu ai cũng nghĩ vậy, ai cũng tặc lưỡi bỏ qua, thì liệu những chiếc xiên que, đĩa cơm gà xối mỡ có ngày càng trở nên bẩn hơn không? Và rồi ai sẽ là người gánh hậu quả? Chắc chắn không phải người bán. Khi bệnh tật kéo đến, người chịu thiệt chỉ có chúng ta mà thôi.
Thay đổi thói quen ăn uống chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng không phải là điều bất khả thi. Nếu bớt một lần ăn uống chiều theo vị giác, lựa chọn những món ăn an toàn hơn, hoặc đơn giản là đặt câu hỏi về chất lượng đồ ăn trước khi đưa vào miệng, chúng ta đã tự bảo vệ sức khỏe của mình.