Khi tôi con nhỏ, máy dọn tuyết không phải là cụm từ để chỉ một phong cách nuôi dạy con của bố mẹ. Thuật ngữ mang tính ẩn dụ đầu tiên mà tôi biết là "cha mẹ trực thăng", ám chỉ những phụ huynh luôn ở trên cao giám sát và bảo vệ con cái. Và giờ, chúng ta có "cha mẹ dọn đường" (snowplow parents).
Giống như con đường phủ đầy tuyết, chiếc máy dọn tuyết có nhiệm vụ làm sạch tuyết, phẳng bề mặt đường. "Cha mẹ dọn đường" cũng loại bỏ mọi chướng ngại vật trên con đường mà họ cho là thành công của con cái, không muốn đứa trẻ gặp bất kỳ khó khăn gì bằng cách sẵn sàng can thiệp và làm hộ con.
Thuật ngữ này lần đầu được đề cập trong bài về vụ bê bối tuyển sinh đại học tại Mỹ trên báo The New York Times tháng 3/2019 và dần trở nên phổ biến.
Tại sao xu hướng này lại xuất hiện?
Các chuyên gia cho rằng truyền thông và phương tiện thông tin đại chúng đã ảnh hưởng nhất định đến cách nuôi dạy con. Phụ huynh đang bị gắn quá nhiều trách nhiệm về sự thành công hay thất bại của con, từ đó sợ bị chỉ trích khi con không thành công, dẫn đến việc không chỉ bảo vệ con quá mức mà sẵn sàng chiến đấu để loại bỏ những thứ cản trở con đi tiếp.
Không chỉ vậy, việc hàng ngày đọc được tin tức tiêu cực, phụ huynh có xu hướng cảm thấy sợ hãi với thế giới, lo lắng con mình sẽ trở thành nạn nhân của một sự việc nào đó nên bảo vệ con kỹ càng hơn.
Tác hại của việc nuôi dạy con cái theo phương pháp "Snowplow"
Khó đối phó sự thất vọng
Những đứa trẻ có "bố mẹ dọn đường" với sự chỉ đạo và giám sát cao sẽ cảm thấy không thoải mái, dẫn đến việc ít có khả năng tự mình hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn hơn. Vốn đã quen được dọn đường, trẻ sẽ dễ thất vọng nếu không được như ý hoặc phải làm một mình, dễ bỏ cuộc ngay lần đầu gặp thử thách, đồng thời ít có khả năng tự học hỏi hơn.
Kỹ năng giải quyết vấn đề kém
Chuyên gia mô tả việc nuôi dạy con theo kiểu "snowplow" giống như vận động viên chạy nước rút trong khi cuộc sống là cuộc chạy marathon. Nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh, những đứa trẻ có thể vào được trường chọn, lớp chất lượng cao hoặc trúng tuyển đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, bởi "bố mẹ dọn đường" đã tước đi của trẻ khả năng tự học hỏi, giải quyết vấn đề. Đây đều là những kỹ năng sống quan trọng trong môi trường tự lập và muốn tiến xa. Trẻ không tin rằng hành động của mình sẽ dẫn đến thay đổi tích cực, điều mà trước nay chỉ bố mẹ làm được, từ đó dẫn đến việc không dám chủ động hành động, bất lực trước những vấn đề xảy ra.
Tăng lo lắng
Việc lúc nào cũng lo lắng trước mọi việc xảy ra xung quanh trẻ sẽ khiến cả phụ huynh và trẻ cảm thấy ám ảnh, luôn sợ hãi thế giới. Ngoài ra, khi đưa ra quyết định dựa trên sự lo lắng, bố mẹ thường hành động và giải quyết vấn đề theo hướng tạo ra giải pháp tình thế, thay vì dạy trẻ cách vượt qua tình huống khó khăn.
Làm thế nào để tránh trở thành "bố mẹ dọn đường"?
Đối mặt và vượt qua khó khăn là cách bắt buộc để mỗi người trưởng thành. Do đó, bạn nên kiểm soát sự lo lắng, mạnh dạn và thoải mái để trẻ có cơ hội trải nghiệm, tham gia nhiều hoạt động và học hỏi từ những khó khăn đó. Chuyên gia nhấn mạnh, nhiều khi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề vì có bộ óc sáng tạo hơn người lớn rất nhiều.
Ngoài ra, bạn cần tập trung vào các mục tiêu dài hạn thay vì những giải pháp tình thế bởi mọi thứ đối với một đứa trẻ còn rất dài ở phía trước, bạn không thể theo sát và giải quyết hết tất cả.
Thanh Hằng (Theo Parents)