Theo dõi quá trình phát triển của con là việc làm tất yếu của cha mẹ. Nhưng nếu trở thành "cha mẹ trực thăng", chỉ những phụ huynh thích giám sát, theo sát con như những chiếc trực thăng bay lượn trên đầu, con bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, giảm khả năng sáng tạo và thụ động.
Nếu có những dấu hiệu của "cha mẹ trực thăng" dưới đây, bạn nên thay đổi.
1. Bên cạnh con hầu như toàn bộ thời gian
Lấy ví dụ con tham gia buổi tiệc của bạn bè, liệu bạn có đưa con đi và ở lại suốt buổi cùng con? Sau đó, giả sử con được mời ở lại ngủ, bạn sẽ thoải mái đồng ý hay khăn gói ở lại cùng con?
"Cha mẹ trực thăng" thường không yên tâm khi con ở ngoài tầm mắt và phải luôn có mặt cùng con bất cứ đâu. Họ cảm thấy phải ở bên con mọi lúc, mọi nơi để đảm bảo mọi việc diễn ra trong tầm kiểm soát. Điều này có thể khiến trẻ lo lắng, không tự tin khi phải rời xa vòng tay cha mẹ.
Nếu con bạn được mời đến chơi nhà bạn và được mời ở lại, sau khi chắc chắn mọi thứ đều ổn, bạn hãy đồng ý và trở về nhà trong tâm trạng thoải mái.
2. Không tin tưởng thế giới bên ngoài
"Phụ huynh trực thăng" nhìn nhận thế giới bên ngoài chỉ đầy rẫy hiểm nguy, bất lợi đối với con mình. Vì vậy, họ hạn chế con tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Nếu có thể, họ sẽ quấn con mình trong lớp vỏ bao bọc vững chãi và ở bên con mọi nơi mọi lúc.
"Cha mẹ trực thăng" luôn lo lắng, bảo vệ quá mức và tin rằng không ai khác có thể giữ con mình được an toàn. Tuy nhiên, vì những hành động này, cha mẹ đã khiến trẻ có cái nhìn tiêu cực, sợ hãi thế giới bên ngoài, từ đó gặp khó khăn trong việc giao tiếp, phát triển cuộc sống tương lai.
3. An toàn là ưu tiên hàng đầu
Khi thực hiện một nhiệm vụ, trẻ phải chấp nhận rủi ro và chính thất bại sẽ khiến trẻ thu thập kinh nghiệm, trưởng thành hơn. Ngược lại, "cha mẹ trực thăng" cho rằng làm vậy là vô lý, sự an toàn của trẻ mới là quan trọng nhất.
Ví dụ khi trẻ chơi ngoài công viên, cha mẹ thường không rời mắt và nhắc nhở: "Con đừng leo lên cầu trượt", "Con hãy bám lấy tay cha/mẹ", "Hãy để mẹ bế con lên xích đu". Chắc chắn, nếu phụ huynh không làm vậy, trẻ sẽ có một vài vết thương nhỏ, nhưng chúng sẽ rút kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm tương tự.
Ngoài ra, khi quá chú trọng vào sự an toàn của trẻ, phụ huynh thường hạn chế những hoạt động con có thể cùng làm với bạn. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, cô lập, hình thành phản xạ co mình lại với mọi người xung quanh.
4. Điều khiển người khác
Ví dụ, con trai tham gia vào một trận đấu bóng, cha mẹ sẽ yêu cầu huấn luyện viên phải làm điều này điều kia để có lợi cho con. Thậm chí, họ có thể phàn nàn, đấu tranh với giáo viên, nhà trường, mọi người xung quanh vì những hành động gây ảnh hưởng đến con cái họ. Hành động này có thể được coi là vì lợi ích của trẻ nhưng trái lại sẽ tước đoạt khả năng tự giải quyết vấn đề và chấp nhận sự bất công trong cuộc sống.
5. Không để trẻ làm việc nhà
"Phụ huynh trực thăng" thường giúp con làm hết mọi việc trong nhà hoặc hầu như toàn bộ công việc. Những lời giải thích đưa ra là con chưa đủ tuổi hoặc trẻ đã quá mệt mỏi với một ngày học dài ở trường.
Hầu hết trẻ em sẽ cảm thấy thoải mái vì không phải làm việc nhà từ dọn dẹp đến nấu ăn, nhưng điều này không phải hành động khôn ngoan cho tương lai của chúng. Thử tưởng tượng, trẻ em không phải làm việc nhà sau này trưởng thành và xây dựng gia đình riêng, chúng sẽ làm thế nào với ngôi nhà của chính mình?
6. Nói không với hoạt động ngoại khóa
Hoạt động ngoại khóa tại trường học là cơ hội bổ ích để trẻ học hỏi về thiên nhiên và bồi đắp tình cảm với bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, trong mắt phụ huynh trực thăng, hoạt động ngoại khóa đồng nghĩa với khó khăn, hiểm nguy ngoài tầm kiểm soát của họ. Trẻ không được phép tham gia hoặc chỉ được tham gia với sự có mặt của cha mẹ. Quyết định này có thể giữ con thoát khỏi những nguy hiểm trong tưởng tượng của cha mẹ, nhưng khiến chúng bỏ lỡ cơ hội hiếm có để tận hưởng thiên nhiên và con người bên ngoài những căn phòng.
7. Quy định nghiêm ngặt
"Phụ huynh trực thăng" thường kỳ vọng con đạt được những điều họ mong mỏi như điểm số cao, thành tích ngoại khóa nổi bật... Hầu hết cha mẹ muốn con thành công nhưng việc đặt kỳ vọng quá cao so với khả năng của con là không nên. Hành động này sẽ chỉ khiến cha mẹ mệt mỏi, con cái áp lực, dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình. Đôi khi, "cha mẹ trực thăng" sẽ đổ lỗi cho người khác về thất bại của con họ, từ đó trẻ sẽ hình thành thói quen chối bỏ trách nhiệm cá nhân.
8. Thay con làm bài tập về nhà
Bài tập về nhà là vấn đề riêng của trẻ, đó là bước nền giúp trẻ xây dựng kỹ năng tự giải quyết vấn đề. Đối với "cha mẹ trực thăng", bài tập về nhà khó hơn trình độ của con là dành cho họ. Họ có thể thức cả đêm giúp con làm báo cáo. Họ muốn con giành được bảng điểm hoàn hảo và không có cách nào tốt hơn là việc chính cha mẹ tự tay làm. Thực tế, bạn có thể hướng dẫn con làm bài tập về nhà nhưng không nên làm thay chúng.
9. Coi con như đứa trẻ
Đối với cha mẹ, con dù có trưởng thành vẫn là những đứa trẻ. Đây là suy nghĩ đúng đắn xuất phát từ tình yêu thương của phụ huynh. Tuy nhiên, "cha mẹ trực thăng" không chỉ nhìn con như những đứa trẻ mà đối xử với chúng cũng như vậy. Dù con đã lớn, nhiều bậc phụ huynh vẫn chăm chút cho con như những đứa trẻ chưa thể tự làm gì. Từ đó, trẻ sẽ hình thành thói quen ỷ lại, kiêu ngạo, coi việc mình được phục vụ là đương nhiên, lười biếng và thụ động.
10. Những bữa tiệc là xa xỉ
Trẻ em thường thích kết bạn và thích sự náo nhiệt. Bởi vậy, các trường phổ thông thường tổ chức những buổi dạ hội, lễ hội giúp trẻ gắn kết với bạn bè và thoải mái bộc lộ cá tính sau những giờ học căng thẳng.
Giống như dã ngoại, đối với "cha mẹ trực thăng", những bữa tiệc không nằm trong từ điển của họ. Có quá nhiều vấn đề với những bữa tiệc ban đêm như lái xe không an toàn, sợ con tiếp xúc thành phần xấu... Bạn nên để con tham gia một vài bữa tiệc tại trường để kết bạn, tăng khả năng tự tin và nếu nhận thấy những nguy hiểm từ các bữa tiệc như vậy, bạn vẫn có thể kịp thời can thiệp.
Tú Anh (Theo Moms)