Ngày 3/10, Hội đồng xét giải thưởng Văn học hàng năm của Hội nhà văn Hà Nội đã họp xét giải năm 2014. Kết quả: Truyện dài Dằng dặc triền sông mưa của Đỗ Phấn đoạt giải ở hạng mục Văn xuôi; tập thơ Mỗi ngày sau một ngày của Trần Nhật Lam giành giải hạng mục Thơ; dịch phẩm Hy vọng của K. Michalak (Ba Lan) - bản dịch của Lê Bá Thự đoạt giải ở hạng mục Dịch thuật.
Ở hạng mục Phê bình lý luận văn học, tập phê bình Không gian văn học đương đại của Đoàn Ánh Dương (sinh năm 1984) được vinh danh. Cố nhà văn, Giáo sư Trương Tửu được tôn vinh ở hạng mục "Thành tựu trọn đời" với bộ tuyển tập văn xuôi, phê bình văn học và nghiên cứu văn hóa. Đặc biệt, dịch giả Nham Hoa với bản dịch Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie) được giải dành cho tác giả trẻ (anh sinh năm 1982).
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Giải thưởng của Hội đã có uy tín trong giới văn chương, tuy nhiên lâu nay vẫn trao giải cho những tác giả đã có tiếng vang, sự nghiệp đã định hình và được khẳng định. Nhằm phát huy yếu tố "phát hiện" của một giải thưởng văn học, Hội đồng xét giải mạnh dạn trao cho những tác giả, dịch giả trẻ có những tác phẩm tốt xuất bản trong năm qua.
Với tác giả Đoàn Ánh Dương, được trao giải ở hạng mục Phê bình lý luận văn học, ông Phạm Xuân Nguyên nói: "Đoàn Ánh Dương tuy còn trẻ, nhưng xứng đáng nhận giải thưởng này. Cuốn sách Không gian phê bình văn học đương đại tập hợp những bài viết của anh ấy trong 5 năm làm nghề, nghĩa là có những bài được viết khi Đoàn Ánh Dương mới 25 tuổi. Nhưng các bài viết trong sách cho thấy tác giả là một nhà phê bình được đào tạo bài bản, có hướng nghiên cứu rõ ràng về văn học đương đại. Anh đã tiếp thu những kiến thức phê bình mới của thế giới để phân tích đời sống văn học Việt Nam hiện nay. Đoàn Ánh Dương là đại diện cho thế hệ mới".
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng tỏ rõ sự thán phục với bản dịch Những đứa con của nửa đêm của Nham Hoa. Ông nói: "Đây là một dịch phẩm xuất sắc. Bản thân tác phẩm của Salman Rushdie đã phức tạp, được thế giới đánh giá cao (từng nhận giải Booker). Bản dịch của Nham Hoa phải khen ngợi bởi dịch giả ngoài vốn ngoại ngữ còn am tường văn hóa và kiến thức Ấn Độ. Nham Hoa cũng phải là người giỏi tiếng Việt, xử lý tiếng Việt tốt mới có được bản dịch hay như vậy".
Ở hạng mục Văn xuôi, truyện dài Dằng dặc triền sông mưa của Đỗ Phấn được vinh danh. Là một họa sĩ, nhà văn, Đỗ Phấn tạo được dấu ấn trong đời sống văn học hiện nay. Ông đã phát hành tới 10 tác phẩm thuộc nhiều thể loại tiểu thuyết, tạp văn, truyện dài. Tác phẩm của Đỗ Phấn thường xoay quanh cuộc sống Hà Nội, nhân vật đi về trong tác phẩm như hiện thân của tác giả. Nhận xét về Dằng dặc triền sông mưa, Phạm Xuân Nguyên nói: "Đây cũng là tác phẩm viết về Hà Nội, nhưng khác hơn những tác phẩm trước của Đỗ Phấn. Sách nói về những hồi ức tuổi thơ, tuổi trẻ của Hà Nội. Với giọng văn trong trẻo, hồn nhiên pha lẫn ngậm ngùi, luyến tiếc, tác giả mang tới câu chuyện về Hà Nội sống động, đầy ắp chi tiết, thật trìu mến và dịu dàng. Qua đó toát lên lịch sử, văn hóa, đời sống của Hà Nội một thời".
Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội được coi là một giải thưởng uy tín về văn học, diễn ra thường niên. Năm nay, Lễ trao giải sẽ diễn ra sáng 10/10 tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu).
Lam Thu