Tác giả cho biết vui khi là một trong ba người nhận giải cao nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cùng Phan Thị Thanh Nga, Phạm Ngọc Mạnh (Hà Nội). Dù không phải người con thủ đô, Lê Thuận Long luôn dành tình cảm đặc biệt cho nơi đây, lưu luyến mỗi khi có dịp đặt chân đến. ''Hà Nội là niềm tự hào, chất liệu sáng tác cho các tác phẩm của tôi. Trong trái tim, tôi yêu mảnh đất và con người nơi này'', anh nói.
Khi cuộc thi được phát động, tác giả dành nhiều ngày trăn trở, lên ý tưởng, vẽ phác thảo. Anh chọn cầu Long Biên - ''chứng nhân lịch sử'' - mô tả lại khoảnh khắc bộ đội chiến thắng tiến vào tiếp quản thủ đô. Hình ảnh mặt trời rực rỡ gợi niềm tin về một tương lai tươi sáng của đất nước. Tác giả hy vọng người xem cảm nhận được tình cảm anh truyền đạt trong bức vẽ, đồng thời mang hiệu quả tuyên truyền.
Ngoài ba giải nhất, ban tổ chức trao năm giải nhì, bảy hạng ba và 10 giải khuyến khích. Trong đó, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Công Quang thắng giải thiết kế logo. Tại lễ trao giải hôm 10/8, ông Đỗ Đình Hồng - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - đánh giá những bức vẽ đều bám sát tiêu chí về nội dung, bố cục, bút pháp, màu sắc đa dạng. ''Nhiều tác phẩm có phong cách mỹ thuật mới, vượt qua lối mòn trong sáng tác tranh chủ đề này'', ông nói.
* Một số tác phẩm tại triển lãm
Ông Nguyễn Nghĩa Phương, phó hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhận thấy tinh thần lãng mạn trong các bức tranh. Ông phân tích: ''Cũng là chim bồ câu, con số 70 hay những hình ảnh quen thuộc về Hà Nội nhưng lần này có sự chắt lọc, chuyển biến, vừa khỏe khoắn lại tinh tế, hào hoa''.
Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) phát động từ tháng 5, nhận được 700 tác phẩm của hơn 300 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh thành trên cả nước. Cùng 26 tác phẩm đoạt giải, ban tổ chức chọn 45 bức vẽ có chất lượng cao để trưng bày đến hết ngày 31/8 tại số 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Phương Linh
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp