Mẹ của Isabelle Müller - tác giả cuốn sách - là bà Đậu Thị Cúc, sinh năm 1929 ở Hà Tĩnh. Bà Cúc chịu cay đắng từ nhỏ do tư tưởng trọng nam khinh nữ, lớn lên trong sự ngược đãi của cha và anh trai. Bà thường bị những người đàn ông trong nhà trừng phạt bằng cách trói tay vào cột gỗ, buộc mái tóc dài vào chân giường tre rồi vung roi quất. Anh em trai của bà không bao giờ bị đánh như thế. "Những lúc như vậy tôi nguyền rủa bố tôi, mái tóc dài của tôi và toàn bộ thế giới bất công", Isabelle Müller viết.
Bươn chải kiếm tiền từ năm sáu tuổi, tuy nhiên với sự ham hiểu biết, bà Cúc tìm cách học con chữ từ các bạn nam cùng trang lứa. Năm 12 tuổi, cha bà muốn con gái có cuộc hôn nhân sắp đặt. Cha qua đời do một tai nạn, anh trai bà Cúc quản lý gia đình bằng sự gia trưởng, độc ác và vẫn muốn ép em gái cưới người đàn ông được chọn sẵn.
Không chấp nhận số phận, bà Cúc bỏ trốn, phiêu dạt tới Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... Bà từng băng qua bom đạn, suýt bị bán vào nhà thổ, phải bó bột gần như toàn bộ cơ thể vì rơi từ tầng bốn khi đi làm thuê. Trải qua đau đớn về cả thể xác và tinh thần, bà tự vực dậy bản thân để làm việc. Bà mở được một quán ăn nhỏ và chung sống cùng một người đàn ông, sinh con gái. Sau khi bị phản bội, con gái mất vì bệnh, bà Cúc đổi tên thành Loan với hàm ý "chim phượng hoàng" - loài chim biểu tượng của sự tái sinh từ đống tro tàn.
Cuộc gặp gỡ người lính Pháp thay đổi vận mệnh bà Loan. Bất chấp vô số khác biệt cùng biến cố thời cuộc, năm 1955, bà rời Việt Nam đi Pháp để được sống cùng ông, tiếp đó theo ông tới Algeria và quay về Pháp sống đến cuối đời.
Ở đất khách, bà Loan vật lộn lo toan cuộc sống gia đình, với năm người con. Sự phân biệt đối xử của người bản địa làm cuộc sống của bà khắc nghiệt hơn. Dù vậy, bà luôn cần mẫn làm việc, nuôi các con khôn lớn. Gia đình bà mở được một nhà hàng món ăn Việt tại Pháp. Thực khách có lúc phải xếp hàng để được vào bàn. Mỗi buổi tối, bà Loan diện áo dài thêu đẹp đẽ đón khách. Bà qua đời năm 2003.
Bà Loan giữ khát khao tự do, mưu cầu hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Bên cạnh đó là tư tưởng đấu tranh cho sự bình đẳng trong xã hội. Bà nói: "Đây là câu chuyện về tôi, về một người đàn bà duy nhất. Nhưng ngoài kia có thể còn có hàng trăm, hàng nghìn người đàn bà phải chịu đau khổ như tôi và đang chờ đợi ngày thế giới sẽ thức tỉnh".
Thành công lớn nhất của bà không phải là cơ ngơi có được tại Pháp sau này mà là lòng kính trọng của những người con vì những đức tính của bà. Điều đó truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Isabelle Müller. Tác giả viết cuốn Loan bằng ngôn ngữ thứ hai của chị là tiếng Đức, thay vì tiếng Pháp, bởi trước đây khi học ở Đức, Isabelle Müller thường bị bạn bè chế giễu vì không thạo tiếng Đức. Isabelle Müller bấy giờ tuyên bố sẽ viết sách bằng tiếng Đức và trở thành cô giáo của con các bạn.
Isabelle Müller nghe mẹ kể chuyện đời từ năm sáu tuổi và hứa viết sách về mẹ. Từ năm 15 tuổi, chị phác thảo nội dung cho cuốn sách. Cuốn sách mất nhiều thời gian để thực hiện vì Isabelle Müller muốn trước khi bắt tay viết, chị phải trưởng thành, trải nghiệm đỉnh cao và vực sâu của cuộc đời để có thể truyền đạt câu chuyện chân thực nhất. Chị dành hơn một năm nghiên cứu lịch sử và địa lý Việt Nam để đối chiếu với những lời kể của mẹ. Cuốn sách được chị thực hiện với mong muốn hoàn thành tâm nguyện của mẹ.
Isabelle Müller thổ lộ dù vóc dáng không giống người Việt Nam nhưng 99 phần trăm tâm hồn chị là người Việt và Việt Nam là quê hương của chị. Tác giả đã thành lập quỹ từ thiện Loan (Loan Stiftung) nhằm giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam được đến trường. Toàn bộ nhuận bút từ cuốn Loan được chuyển vào quỹ.
Tác giả sẽ có buổi giao lưu, ký tặng sách Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng vào ngày 23/3 tại Hội sách TP HCM, ở công viên Lê Văn Tám.