Tối 28/2, Nhà xuất bản Phụ Nữ tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ của nước ta tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (cháu nội Đạm Phương), nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng, Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Ánh Dương (người giới thiệu và tuyển chọn).
Cuốn sách tập hợp những bài báo, khảo cứu trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ và sáng tác thơ văn cùng chủ đề của Đạm Phương - nhà giáo dục tiên phong nâng cao nhận thức giới thế kỷ 19. Trong bài viết, bà đi sâu vào cải cách giáo dục, xóa bỏ những lề thói lạc hậu nhằm nâng cao văn hóa đời sống con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ cận hiện đại.
Qua trang viết Bổn phận con gái, Làm sao mà gọi là nội tướng, Bàn về giáo dục con gái, Nên lập học hội chức nghiệp, Chị em ta đã biết ham muốn thực nghiệp, bà giảng cho phụ nữ những việc từ trong nhà như: nấu ăn, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình đến ứng xử ngoài xã hội. Bên cạnh đó, những sáng tác văn chương của Đạm Phương giúp mở rộng sự hiểu biết của phụ nữ bấy giờ về tự do kết hôn, bình đẳng gia đình.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, "Đạm Phương nữ sử" là cách gọi của nhà báo Phạm Quỳnh (quan đại thần triều Nguyễn) từ năm 1918. "Nữ sử" chỉ phụ nữ có học, được triều đình đưa vào dạy trong cung. Tiến sĩ văn học Đoàn Ánh Dương - người tuyển chọn, giới thiệu sách - cho biết điểm sáng trong tư tưởng của Đạm Phương là tiếng nói dũng cảm, đấu tranh vì quyền phụ nữ ở thời điểm xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu rộng hệ thống giáo lý của Nho giáo.
Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng chia sẻ: "Tôi thấy bà là nhà hoạt động nữ quyền ôn nhu, trầm tĩnh nhưng tâm huyết và quyết đoán trong sứ mạng khai trí của mình. Suốt đời, bà chuyên tâm tổ chức và đào tạo đông đảo thế hệ phụ nữ Việt Nam với niềm tin rằng giáo dục không phải là một công trình trói buộc người ta, mà để nảy nở năng lực cao quý trong mỗi người".
Trong ký ức của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - cháu nội Đạm Phương - kỷ niệm về bà không nhiều do cuộc sống di tản trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông kể: "Bà tôi là người lam lũ. Hàng ngày, bà quay tơ, chăn tằm, nuôi 11 con và cưới vợ hai cho chồng. Ban đầu, tên của tôi là Nguyễn Khoa An Điềm do bà đặt. Sau này đi học, vì thấy không ai tên bốn chữ như mình nên tôi rút gọn thành Nguyễn Khoa Điềm".
* Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chia sẻ kỷ niệm gắn với bà nội
Đạm Phương (1881 - 1947) là gương mặt tiêu biểu đấu tranh cho quyền phụ nữ vào thế kỷ 19. Bà là thứ nữ của Hoằng Hóa Quận vương - con trai thứ 66 của vua Minh Mạng. Trong cuộc canh tân dân tộc đầu thế kỷ 20, bà tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác như Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Trung Bắc tân văn...
Trọng Trường