Giáo sư, nhà văn Đức Bernhard Schlink đã có buổi giao lưu, trò chuyện với công chúng Hà Nội chiều tối 10/9 tại Đại sứ quán Đức. Ông cũng tham gia buổi chiếu phim Người đọc - tác phẩm có năm đề cử Oscars, trong đó có hạng mục "Phim hay nhất". Diễn viên Kate Winslet đoạt giải "Nữ diễn viên xuất sắc" cho vai diễn Hanna Schmitz.
Tác giả Bernhard Schilink sinh năm 1944. Ông học luật ở Heidelberg và Berlin. Hiện ông là Giáo sư Luật tại New York và Berlin. Ông viết nhiều sách giáo khoa và tham luận khoa học về luật. Ông tới Việt Nam trong khuôn khổ chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền giữa hai nước Việt - Đức.
- Chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của ông, "The Reader" trở thành tác phẩm kinh điển trong điện ảnh. Ông đánh giá thế nào về bộ phim?
- Tôi là người rất mê phim nên ngay sau khi viết The Reader năm 1995, tôi đã nghĩ đến chuyện bán bản quyền chuyển thể lên màn ảnh. Điều quan trọng là tôi cần biết chắc ai đạo diễn. May mắn, đạo diễn người Anh Stephen Daldry - từng được đề cử nhiều giải Oscar - là một người tuyệt vời, nhã nhặn và lịch thiệp. Khi gặp nhau lần đầu để trao đổi về đường hướng chuyển thể sách, chúng tôi đã rất hợp nhau.
Với tôi, đây là bộ phim rất tốt. Có nhiều chi tiết từ sách được biến đổi khéo léo khi lên phim. Trong truyện, tôi dùng lời kể để mô tả sự thực hoặc dẫn chứng. Khi lên phim, nhiều chi tiết được chuyển thành thoại, nhiều chi tiết bị bỏ nhưng mạch chuyện vẫn logic. Cuốn sách cho thấy nhân vật nam mới là trung tâm nhưng lên phim thì nhân vật nữ trở thành nhân vật chính.
- Tiểu thuyết của ông là câu chuyện về một phụ nữ Đức. Ông nghĩ sao khi người đảm nhận nhân vật nữ là Kate Winslet - minh tinh người Anh?
- Ngay từ đầu chúng tôi chọn Kate Winslet bởi tôi không thể hình dung ra ai khác. Ở Đức có một diễn viên có thể vào vai Hannah nhưng cô ấy già hơn nhiều so với tạo hình nhân vật. Tôi thấy việc diễn viên người Anh hay người Đức đóng không ảnh hưởng đến nhân vật bởi cả hai đều là người châu Âu. Điều quan trọng là cách thể hiện. Nếu là một diễn viên giỏi, bạn sẽ diễn ra tinh thần của người ở quốc gia hay dân tộc khác mà không gặp vấn đề.
Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi lối diễn của Kate Winslet và cho rằng chỉ cô ấy mới truyền tải được gần nhất chân dung Hannah mà tôi mô tả. Kate khiến phim có một hơi thở riêng. Tôi đã xem phim này hơn bảy lần. Rất nhiều cảnh giờ vẫn khiến tôi cảm động.
- Trong truyện, Hannah không đẹp như Kate Winslet trên phim. Ông nghĩ sao khi nói người xem bị quyến rũ bởi sắc đẹp của diễn viên hơn là nhân vật do Kate hóa thân?
- Điều tôi thích nhất ở Kate Winslet không phải là sắc đẹp mà vì cô ấy có một gương mặt thể hiện được rất nhiều sắc thái tâm trạng. Cô cùng lúc có thể nhạy cảm, tức giận, ác độc, dịu dàng, ngây thơ, đôi khi rất chân thành. Kate Winslet làm được mọi điều trên hình. Khi xem phim lần hai, tôi không thấy một diễn viên đẹp đóng vai Hannah mà thấy một nhân vật sống động được hóa thân có hồn bởi diễn viên giỏi. Điều này làm tôi khâm phục Kate.
- Nhân vật Hannah trong tiểu thuyết bị mù chữ ảnh hưởng lớn đến số phận của cô ấy. Ông muốn nói gì về chi tiết đó?
- Quả thực chuyện Hannah bị mù chữ rất quan trọng với nội dung tác phẩm. Nhiều người từng hỏi tôi có phải quá trình Hannah mù chữ rồi trở thành nữ quản tù trực tiếp gây tội ác diệt chủng người Do Thái trong trại tập trung Auschwitz là phép ẩn dụ "dốt nát gây nên tội ác" không? Sự thực không phải như vậy.
Tôi chỉ muốn khẳng định người ta thà chấp nhận một mức án để ngồi tù còn hơn cho người khác biết họ không biết chữ. Trước khi chuyển thể sách, chúng tôi đã làm nghiên cứu ở Anh và kiểm chứng điều này là đúng. Từ giữa thế kỷ 20, người châu Âu đã coi khả năng đọc cơ bản như việc biết đi hay biết chạy. Hoàn cảnh của Hannah phản ánh tâm lý của không ít người bị mù chữ khi họ cảm thấy đó là nỗi nhục trước người khác.
- Từ khi ra mắt năm 1995, “Người đọc” có hàng triệu độc giả toàn cầu. Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông viết sách?
- Khi là sinh viên luật, tôi tham dự các phiên tòa xử tội phạm chiến tranh, những người từng dính líu vào quân đội phát xít và phải chịu trách nhiệm cho việc tàn sát người Do Thái.
Tôi là người thuộc thế hệ thứ hai lớn lên sau chiến tranh và biết rằng cha, chú mình có thể đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi phải đối mặt với chính những người thân là cha mẹ mình cùng lúc là tội phạm. Bởi thế, tôi luôn bị dày vò với câu hỏi liệu ta có thể yêu thương và tha thứ tới đâu cho những kẻ độc ác từng phạm tội? Nếu họ không phải là cha mẹ hay anh chị em mình mà từng là người tình của mình thì sao. Cũng có nhiều người bảo nhân vật nam chính Michael trong phim có phải hiện thân của tôi không? Tôi xin trả lời rằng, tôi thấy mình giống nhân vật khoảng 75%.
- Tiểu thuyết "Người đọc" gây nhiều tranh cãi khi kể chuyện tình yêu và số phận giữa một thanh niên Đức lớn lên sau thảm họa diệt chủng phát xít và một nữ quản tù là thành viên của phát xít Đức. Ông phải hứng chịu những chỉ trích nào từ ý tưởng này?
- Các nhà phê bình châu Âu và Bắc Mỹ thường hiểu lầm rằng tôi ca ngợi một kẻ đã từng phạm tội ác diệt chủng. Họ cho rằng tôi tô hồng cho chân dung của Hannah - một nữ quản tù, dính líu đến cuộc thảm sát 300 tù nhân Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Họ cho rằng những kẻ phạm tội diệt chủng như thế phải có khuôn mặt của "quái vật" thay vì khuôn mặt nhiều nhân tính đến vậy.
Tôi thấy cuộc sống này không phải lúc nào cũng có thể phân biệt trắng đen. Chẳng ai có thể ngờ một người hàng xóm tốt, một ông bố tốt trong quá khứ đã gây ra một tội ác nào đó. Tôi không đồng ý với cách nhìn như vậy.
- Là một nhà văn kiêm luật gia, ông nghĩ quyền lực của tri thức và văn hóa nghệ thuật thay đổi thế giới như thế nào?
- Tôi tin tư tưởng lớn, tri thức và kiến thức có thể thay đổi thế giới. Tuy vậy, bạn không thể thay đổi chỉ bằng việc hiểu thế giới mà không can thiệp vào đó, bắt tay hành động để biến nó theo hướng bạn muốn. Hiểu thế giới mới chỉ là bước đầu tiên trong việc một con người muốn thay đổi thế giới. Để trở thành một nhà văn viết hay, hãy đọc, đọc thật nhiều, yêu văn chương và học yêu từng câu từ và con chữ.
Vũ Văn Việt ghi