Ra đời năm 1995, tiểu thuyết Người đọc (Der Vorleser) trở thành một hiện tượng chấn động văn đàn Đức khi đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm - tội ác của Đức quốc xã trong Thế chiến II. Hình ảnh những trại tập trung một lần nữa được nhắc đến như một bằng chứng cho tội ác không thể chối cãi trong lịch sử nhân loại. Cuốn sách ngay sau đó đã được phổ biến rộng rãi với bảy triệu ấn bản và được dịch ra 38 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới.
13 năm sau, đạo diễn Stephen Daldry cùng hãng Weinstein quyết định đưa cuốn tiểu thuyết này lên màn ảnh rộng trong một dự án khá mạo hiểm. Bộ phim ra mắt đã nhận được không ít phản ứng tranh cãi từ giới phê bình. Gabrielle Burton - một biên kịch nổi tiếng cho rằng, Kate Winslet đã dùng thân thể gợi dục và một vai diễn hay để “lấp liếm đi sự vô đạo đức” của nhân vật Hanna Schmitz. Có ý kiến khác cho rằng bộ phim chỉ nhằm thỏa mãn tình cảm xóa tội của nhiều người Đức dưới chế độ Hitler tàn bạo một thời.
Những tranh cãi đó xoay quanh câu chuyện về cuộc tình giữa Michael Berg - một thanh niên trung học 15 tuổi và Hanna Schmitz - người phụ nữ hơn cậu 21 tuổi trong bối cảnh những năm 1960 tại Đức. Hai người gặp nhau trong một lần Michael trên đường đi học về, gặp mưa và nôn thốc bên vệ đường. Hanna đưa cậu về nhà và từ đó hai người bắt đầu một mối quan hệ kỳ lạ. Họ tìm đến nhau thường xuyên hơn trong ngôi nhà trên căn gác cũ của Hanna để thực hiện một nghi thức gần như cố định: tắm - đọc sách - làm tình.
Quan hệ đó kéo dài không lâu cho đến một ngày kia Hanna đột nhiên biến mất. Phải đến rất nhiều năm sau, Michael mới gặp lại cô nhưng trong một hoàn cảnh trớ trêu. Khi ấy anh đã trở thành một sinh viên trường luật và cô là một bị đơn trong phiên tòa xét xử những tội nhân giết người của cuộc diệt chủng Holocaust. Những bí ẩn đằng sau người phụ nữ anh yêu năm nào dần được hé lộ. Hanna là một đại diện trong bộ máy giết người dưới chế độ Hitler tàn bạo còn sống sót trong khi Michael là một đại diện của thế hệ hôm nay, lớn lên trong thời bình và đang xét lại quá khứ tội lỗi của thế hệ trước.
Cùng một lúc phải đối diện với quá khứ của cá nhân - người phụ nữ nâng đỡ, chở che mình thời niên thiếu và quá khứ của dân tộc - một kẻ sát nhân trong cuộc thảm sát Holocaust, Michael không thể làm gì hơn ngoài việc im lặng, bất lực nhìn Hanna điểm chỉ vào bản án lịch sử dành cho cô. Từ đó, anh không sao thoát khỏi nỗi dằn vặt khi nghĩ về người phụ nữ mình từng yêu và mang ơn ngày ấy.
Trong chùm chủ đề về cuộc tàn sát chủng tộc người Do Thái của Phát xít Đức trong Thế chiến II, có không ít bộ phim đã ghi dấu trong lòng khán giả như Schindler’s List (1993), Life is Beautiful (1997), The Pianist (2002)… Tuy nhiên, nếu như hầu hết các bộ phim trước đó đều chủ yếu tố cáo tội ác của Đức quốc xã thì The reader lại đưa đến cho chúng ta cái nhìn mới. Bộ phim là tiếng nói của những người Đức, đi qua chiến tranh và trở thành tội đồ của những cuộc phán xét trong thời bình.
Cuộc gặp lại định mệnh giữa Michael và Hanna không chỉ là cuộc hội ngộ của hai người yêu nhau sau nhiều năm xa cách mà còn là ẩn dụ cho cuộc “đối mặt” giữa hai thế hệ mang những số phận khác nhau của lịch sử. Michael biết Hanna đã phải nhận hết trách nhiệm về một tội ác không chỉ mình cô gây ra nhưng anh cũng không lên tiếng đứng về phía cô. Thái độ bối rối, xấu hổ của anh phần nào là thái độ mặc cảm với mối tình dị biệt nhiều năm trước nhưng mặt khác cũng là thái độ lẩn tránh, chối bỏ của thế hệ hôm nay về những tội ác mà cha ông mình gây ra.
Bộ phim đặt ra những vấn đề lớn lao về mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ, giữa cá nhân và cộng đồng thông qua một câu chuyện tình ngang trái, trải dài qua nhiều thập kỷ của nước Đức. Tuy nhiên, trên tất cả, để lại ấn tượng xúc động nhất trong lòng người xem vẫn là mối tình vượt qua mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị xã hội lẫn thời gian của Hanna và Michael.
Họ đến với nhau ban đầu bằng những ham muốn, tò mò về thể xác nhưng ở lại bên nhau bằng tình thương và sự sẻ chia. Hanna đã dạy Michael làm tình như một kỹ năng cơ bản để trưởng thành bằng kinh nghiệm của một người từng trải. Ngược lại, Michael mang tới những quyển sách, những câu chuyện và lấp đầy thế giới tâm hồn luôn khao khát nhưng bấy lâu thiếu vắng của Hanna.
Đến sau này, khi biết được bí mật của Hanna, Michael vẫn không quên niềm say mê những cuốn sách của cô và vẫn tiếp tục kiên nhẫn đọc lại từng câu chuyện cũ, thu âm lại rồi gửi cho cô trong tù. Nỗi tuyệt vọng trong những năm héo hon cuối đời của Hanna dường như được tiếp sức trở lại bởi những cuốn băng chất đầy kỷ niệm ấy. Cô đã làm được một điều phi thường nhưng dường như tất cả đều trở nên quá muộn vào phút chót của cuộc đời.
Những bức thư với những nét chữ run rẩy đầu tiên của Hanna gửi tới Michael không được đáp lại. Michael cho đến cuối đời vẫn không đủ dũng cảm đón nhận người phụ nữ năm xưa dù anh không khi nào thôi ám ảnh và mang ơn bà. Hanna cũng tự thấy mình không đủ dũng cảm trở về với cộng đồng từng kết tội mình.
Câu chuyện tình dị biệt ấy không thể buồn đến thế, cuộc đời của người phụ nữ bất hạnh ấy không thể xót xa đến thế nếu không nhờ diễn xuất xuất sắc của Kate Winslet. Vốn gây được cảm tình với khán giả trong hình ảnh cô tiểu thư quý tộc xinh đẹp từ Titanic đến Finding Neverland, vai diễn này ghi dấu một sự phá cách đầy táo bạo của “bông hồng nước Anh”. Không chỉ hoá thân trong hình ảnh một người phụ nữ lấm lem, giản dị của đời thường, Kate Winslet còn khiến khán giả ngỡ ngàng với những cảnh khỏa thân đầy táo bạo khi làm tình trong phim.
Một trong những cảnh quay xúc động nhất là cuộc gặp lại cuối cùng của Michael và Hanna trong tù để chuẩn bị cho cuộc trở về. Tất cả mong chờ, háo hức lẫn hy vọng đã ánh lên rồi nhanh chóng vụt tắt trong ánh mắt mờ đục, héo mòn của Hanna. Sự lạnh lùng, hờ hững như một người thân lãnh trách nhiệm đón người nhà ra tù của Michael sau bao nhiêu năm trời chính là bản án tử hình nghiệt ngã nhất dành cho Hanna. Bà hiểu hơn ai hết rằng không có nơi nào để trở về ở ngoài kia.
Đây cũng là vai diễn mang về cho Kate Winslet một tượng vàng Oscar. Vẻ đẹp đầy nhục cảm của Rose năm nào một lần nữa làm khán giả choáng ngợp dù khi ấy cô đã ngoài 30 tuổi. Cũng chính vì những cảnh quay nóng bỏng, nhạy cảm đó mà bộ phim phải lùi lịch phát hành tới sau ngày sinh nhật lần thứ 18 của David Kross (thủ vai Michael hồi trẻ) để tránh phiền phức khi kiểm duyệt.
Với lối kể chuyện tiết chế, kết cấu dựng đan xen hiện tại và quá khứ uyển chuyển, nhịp nhàng, Stephen Daldry đã cho kiệt tác của văn học Đức thêm một đời sống nữa trên phim. Hơn cả một câu chuyện tình buồn và tuyệt vọng, The reader sống trong lòng khán giả đến ngày hôm nay còn nhờ những thông điệp đầy nhân văn về số phận của mỗi cá nhân trước lịch sử cũng như trong cộng đồng mà nó đề cập đến.
Trailer phim "The Reader" |
|
Anh Mai