Ông dự buổi ra mắt bộ tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020), sáng 19/4 tại sự kiện Ngày sách Việt Nam lần hai ở TP HCM. Mặc bộ áo dài đỏ, ông tự đi lại mà không chống gậy, trò chuyện với chất giọng to rõ, chỉ khi lên xuống cầu thang mới nhờ người dìu.
Nhà văn cười hóm hỉnh khi được khách mời hỏi về cách giữ sức khỏe để viết sách. Với ông, bí quyết sống là sự kết hợp điều độ giữa lịch sinh hoạt đều đặn, ăn uống khoa học và tập luyện vừa sức. Mỗi ngày, thức dậy lúc 6h, sau khi vệ sinh cá nhân, ông ngồi vào bàn làm việc, đến 11h30 thì ngưng. Dùng cơm trưa, nghỉ ngơi, ông tiếp tục viết sách, đến 17h30 mới tập thể dục.
Ông Nguyễn Đình Tư cho biết tranh thủ vận động ngay cả khi ở trong nhà. Với hai tầng cầu thang, ông thường đi 10 vòng xuống, 10 vòng lên, kết hợp xoay hông để giãn gân cốt. Nhà văn nói chế độ dinh dưỡng của ông cũng như bao người, mỗi bữa ăn gần một bát cơm, trưa uống một lon bia. "Quan trọng nhất với tôi là một tinh thần lành mạnh. Nhiều người già thường khó tính, nhưng tôi quan niệm không cần chấp nhặt để tâm luôn thanh tịnh", ông nói.
Hai năm qua, nhà văn dành mỗi ngày viết cuốn Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020). Học đánh máy vi tính từ năm 90 tuổi, đến nay, ông luôn tự gõ bản thảo, hoàn thành xong mới nhờ con trai gửi nhà xuất bản. Bộ sách là tâm huyết ông muốn giới thiệu để độc giả có cái nhìn bao quát về thành phố từ năm 1698 đến năm 2020, thuộc mọi lĩnh vực, qua từng thời kỳ. Hơn 20 năm qua, ông dồn tâm sức đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 ở TP HCM để tập hợp tài liệu cho công trình này.
Sách được chia ra hai tập với sáu phần, tập một từ năm 1698 đến năm 1945, tập hai từ năm 1945 đến năm 2020. Mở đầu sách, tác giả trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của thành phố, về thời đại tiền sử, thời kỳ phù Nam, thời kỳ Thủy Chân Lạp và lưu dân người Việt.
Phần thứ nhất giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, nói về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam. Phần hai giới thiệu thời Pháp thuộc, kể về quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam kỳ, người Pháp tổ chức bộ máy cai trị thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn. Phần thứ ba giới thiệu giai đoạn từ ngày Nhật đảo chánh Pháp (1945-1975) đến Hiệp định Genève 1954, cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn, cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm (1945-1954). Phần thứ tư giới thiệu giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (1954-1975).
Phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng thành phố từ 1975-2020, trình bày về việc thành lập TP HCM, cuối cùng là phần tổng luận, phụ lục.
Đại diện đơn vị phát hành - bà Đinh Thị Thanh Thúy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM - cho biết quá trình ông Nguyễn Đình Tư viết sách gặp nhiều trở ngại do đúng dịp bùng phát Covid-19 năm 2021. Khi đó, nhà xuất bản cần tác giả bổ sung thêm cho bản thảo về giai đoạn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, song ông không thể đi lại vì nhiều ngả đường đã phong tỏa. Họ phải tìm nguồn tài liệu, đến nhà trao cho ông. "Suốt hai năm ròng rã, nhờ sự chăm chút tìm tòi của ông, cuốn sách mới được hoàn thành. Chúng tôi thường ví nhà văn như ông Bụt của nhà xuất bản", bà Thúy nói.
Ông Nguyễn Đình Tư là một trong 10 đại sứ của sự kiện Ngày sách Việt Nam lần hai ở TP HCM. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở thông tin Truyền thông TP HCM - cho biết mời nhà văn làm đại sứ vì ngưỡng mộ tinh thần lao động bền bỉ của ông. "Chúng tôi không chỉ muốn giới thiệu bộ sách như một sản phẩm đặc biệt với người dân, mà còn muốn lan tỏa tình yêu sách của bác Tư đến công chúng trẻ", ông Thắng nói.
Ở tuổi 103, nhà văn vẫn miệt mài với những trang bản thảo. Tháng 8/2022, khi Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đến thăm nhà, ông cho biết còn 10 cuốn nữa mong sớm hoàn thành, trong đó có tự truyện về cuộc đời ông. Ba tháng sau, nhà văn viết xong bản thảo dày 200 trang, hiện trong quá trình biên tập. Sách có tên Những kinh nghiệm của một kiếp người, kể về quãng đời của ông từ thuở niên thiếu ở quê hương xứ Nghệ đến nay, những vùng đất ông đã đi qua và dừng chân, cách tác giả vượt qua gian khó để có được hôm nay.
Ông Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê tổng Võ Liệt, nay thuộc xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Năm 12 tuổi, ông phải nghỉ học vì nhà nghèo, phụ cha chăn trâu, cắt cỏ. Thấy ông có chí, thầy cô ở trường làng quyên góp tiền nuôi ăn học. Năm 1943, ông quyết định viết văn với cuốn truyện dài đầu tay Nguyễn Xí. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông có thời gian làm cộng tác viên cho báo Độc Lập. Sau này, vào Nam Trung bộ lập nghiệp, ông biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử, địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Sau năm 1975, ông cùng gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống.
Ông từng ra nhiều bộ sách, tiểu thuyết lịch sử như Loạn 12 sứ quân, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954).
Ngày Sách tại TP HCM diễn ra từ ngày 19 đến 23/4, khu vực Công trường Công xã Paris (từ đường Nguyễn Du đến Lê Duẩn) và đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1). Nhiều không gian trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tên sách. Các hoạt động được ban tổ chức chú trọng, như sự kiện giới thiệu các tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, triển lãm kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), 137 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2023), giới thiệu mô hình văn hóa đọc như Tủ sách doanh nhân.
Nhiều chương trình giao lưu được tổ chức, như diễn đàn ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay (ngày 20/4), tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em (ngày 22/4).
Tại Huế, Ngày Sách sẽ diễn ra ở Quốc Tử Giám, với hơn 30 đơn vị, công ty sách từ ngày 21/4 đến 1/5, mang thông điệp Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo và Sách cho tôi, cho bạn. Triển lãm Huế xưa và nay trưng bày sách và các tư liệu cổ đang lưu giữ tại địa phương.
Mai Nhật