Sự kiện tôn vinh văn hóa đọc thường niên diễn ra từ ngày 21/4 đến 1/5, mang thông điệp Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo và Sách cho tôi, cho bạn. Chiều 21/4, lễ khai mạc sẽ diễn ra ở Quốc Tử Giám (Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức hội sách từ ngày 21 đến ngày 25/4 tại khuôn viên Quốc Tử Giám. Không gian diễn ra trên quy mô lớn ở trung tâm Cố đô Huế, mang đậm nét văn hóa cổ truyền với 16 khu trưng bày, giới thiệu sách đến đông đảo bạn đọc, du khách trong và ngoài nước. Một số chương trình trọng tâm của lễ hội như tổ chức giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm, tọa đàm, triển lãm, tranh nghệ thuật, nhạc phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Buổi tối, nhiều chương trình văn nghệ về di sản văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế diễn ra.
Nổi bật trong các hoạt động là triển lãm Huế xưa và nay - trưng bày sách và các tư liệu cổ đang lưu giữ tại địa phương, hình ảnh về thành phố thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập. Độc giả có thể tham gia viết chữ thư pháp tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Tủ sách Huế gồm 11 cuốn sách cổ cũng sẽ được giới thiệu. Lãnh đạo tỉnh sẽ gặp gỡ một số nhà xuất bản, công ty phát hành để trao đổi hợp tác phát triển tủ sách Huế.
Ngoài Huế, nhiều hoạt động chào mừng ngày Sách diễn ra khắp cả nước. Hệ thống trường học sẽ hưởng ứng nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Các đơn vị xuất bản phát hành ấn phẩm, tổ chức tuần lễ sách, treo băng rôn chào mừng sự kiện, kết hợp với các sàn thương mại điện tử để quảng bá sách.
Ngày sách Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2014. Ba năm sau, Chính phủ đổi tên thành Ngày sách và Văn hóa đọc, nhằm lan tỏa thói quen đọc sách trong xã hội. Năm 2022, sự kiện được tổ chức trên cả nước sau hai năm trì hoãn vì dịch. Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển phong trào đọc sách.
Mai Nhật