Các vị lãnh đạo ngành giao thông của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân của tình trạng kẹt xe trở nên phổ biến và ngày càng phức tạp là do: phương tiện cá nhân tăng nhanh, năng lực hạ tầng chưa đáp ứng kịp; ý thức tham gia giao thông kém...
Các vị nói rất đúng, nhưng vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nguyên nhân gốc rễ hình như chưa vị nào phân tích.
Phải chăng Hà Nội và TP HCM có lợi thế thu hút nhiều nguồn lực của xã hội dẫn đến dân số cơ học đổ về hai trung tâm này ngày càng gia tăng? Hay tại nhiều tỉnh khác không biết khai thác các lợi thế và tiềm năng của mình để nhân lực và các nguồn lực khác "chảy vào chỗ trũng"?
Giả sử các tỉnh/thành khác tùy theo lợi thế, năng lực và được đầu tư hợp lý hơn sẽ phát triển tới mức độ nào đó, thu hút được nhân lực và các nguồn lực khác thì sự chuyển dịch lao động không nhất thiết phải chọn Hà Nội, TP HCM làm quê hương thứ hai! Sẽ giảm tải đáng kể không chỉ với giao thông mà cả lĩnh vực khác cho hai thành phố này, thúc đẩy phát triển đồng đều và cạnh tranh cho các vùng trên cả nước cùng tiến lên.
Nếu được như vậy, người dân thủ đô và TP HCM sẽ bớt đi cảnh tắc đường, đường sá được giảm tải, y tế, giáo dục, nhà ở... bớt bị áp lực. Người dân được mua xe và chi phí lăn bánh sẽ rẻ hơn; sẽ có điều kiện bỏ dần xe máy; bỏ dần những nhà trong ngõ hẹp sâu hun hút vốn thích hợp với văn minh xe máy. Thị trường xe hơi phát triển, nhà nước thu thêm được nhiều thuế do tăng phương tiện để trích tái đầu tư cho hạ tầng, tạo cuộc sống đô thị văn minh theo hướng hiện đại hơn.
Vậy hiện tại kẹt xe, nguyên nhân gốc rễ là do "kẹt tầm nhìn" ở tầm vĩ mô hay do lượng phương tiện tăng chóng mặt, hạ tầng đường bộ chưa theo kịp, phương tiện công cộng chưa đáp ứng đủ, ý thức tham gia giao thông của người dân kém?
Mong các bạn thảo luận thêm!
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm