Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Ngọc (khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết bà cụ yếu liệt nửa người, lơ mơ, chẩn đoán đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) dạng nhồi máu não do cục máu đông. May mắn, bà được người nhà phát hiện sớm và kịp đưa đến bệnh viện trong thời gian vàng nên sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, mạch máu tắc nghẽn được tái thông hoàn toàn. Hiện sau hai tuần điều trị, bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe, chỉ còn yếu nhẹ, không bị liệt.
Tháng 12/2021, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng cứu sống ngoạn mục người đàn ông 60 tuổi bị thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên, kèm huyết khối trong nhĩ phải, tiền sử mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà, không dùng thuốc kháng đông.
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh nhân này có nhiều bệnh nền tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thoái hóa khớp, loãng xương, phổi tắc nghẽn mạn tính, Covid-19 - đây được xem là nguy cơ kép dẫn đến cơn đột quỵ. Ngoài ra, người lớn tuổi, là nữ giới, hút thuốc lá, có các bệnh lý mạn tính trước đó như tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi, phế quản mạn tính, đái tháo đường, ung thư đang tiến triển, bệnh thận mạn tính và các bệnh nhân phải nằm, bất động lâu, người đang uống thuốc ngừa thai... dễ là "mồi ngon" của di chứng tăng đông máu hậu Covid-19.
Đặc biệt, bệnh nhân nhập viện do Covid-19 có nguy cơ cao xuất hiện huyết khối, nhất là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE). Phân tích gộp 86 nghiên cứu, tần suất VTE ở bệnh nhân Covid-19 là 14,1%, với tỷ lệ mới mắc cao nhất là 22,7% ở bệnh nhân nhập khoa hồi sức (ICU). Tình trạng tăng đông toàn thân là một đặc trưng của Covid-19 và các nghiên cứu đầu tiên cũng cho thấy có mối liên quan giữa nồng độ D-dimer huyết tương (huyết khối trong máu) với tỷ lệ sống còn, bác sĩ Ngọc cho biết.
Một người có thể bị tắc nghẽn mạch máu nhiều lần, ở nhiều vị trí, cả trong điều trị và sau khi khỏi Covid-19, tùy mức độ tăng đông nặng, trung bình hay nhẹ. Nguyên nhân là di chứng tăng đông máu hậu Covid-19 có thể gây tắc nhiều mạch máu, gồm cả động mạch, tĩnh mạch và mao mạch, từ đó gây thiếu máu cục bộ các cơ quan, các vùng cơ thể. Ví dụ: tắc động mạch thận gây hoại tử thận; huyết khối động mạch phổi gây hoại tử nhu mô phổi gây suy hô hấp; huyết khối động mạch chi gây hoại tử chi; huyết khối động mạch não gây nhồi máu não; huyết khối động mạch vành gây nhồi máu cơ tim. Đây là những di chứng nghiêm trọng, nếu không được can thiệp kịp thời người bệnh sẽ nguy hiểm tính mạng.
"Trường hợp có di chứng đông máu chiếm khoảng 5-10% trong tổng số người đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua", bác sĩ Ngọc nói.
Lý giải nguyên nhân F0 đã vượt qua giai đoạn cấp tính, khỏi bệnh rồi vẫn bị đông máu hậu Covid-19, bác sĩ Ngọc cho rằng khi nhiễm bệnh, virus đã kích hoạt một loại kháng thể tự miễn trong máu tấn công các tế bào, gây tình trạng đông máu ở động mạch, tĩnh mạch và mao mạch.
Ngoài ra, virus còn kích hoạt gia tăng các hóa chất trung gian gây viêm đó là Interleukin 6, IFN alpha, dẫn đến tình trạng tăng đông máu. Trong trường hợp này, các cục máu đông nhỏ xíu có thể di chuyển đến phổi, ngăn máu lưu thông và cản trở quá trình trao đổi oxy. Chúng có thể gây thiếu máu cục bộ các cơ quan hoặc nặng hơn là hoại tử các mô, bao gồm các tế bào cơ, não, thận, lách, phổi...
Tình trạng tăng các phản ứng viêm quá mức có thể dẫn đến đồng thời "cơn bão cytokine" và tăng đông. Trên một người bệnh, có thể đồng thời xảy ra bão cytokine và tăng đông, hoặc chỉ một trong hai, hoặc cùng không xảy ra, hoặc chỉ xảy ra mức độ nhẹ nếu cơ thể phản ứng viêm ở mức độ thấp.
Để tránh biến chứng nặng, thậm chí tử vong do đông máu hậu Covid-19, bác sĩ Ngọc khuyến cáo người bệnh khi có các dấu hiệu như nhức đầu dữ dội; đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực; thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu, hay giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ; đau ngực và khó thở; sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động... cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, để phòng tránh thuyên tắc mạch máu, người dân cần uống nhiều nước, mặc quần áo rộng rãi, tập thể dục thường xuyên, trong đó ưu tiên đi bộ và kéo duỗi chân đều đặn nếu có thể. Ví dụ, khi đi ôtô, hãy thường xuyên dừng lại và đi ra ngoài để sải vài bước chân. Trường hợp đã bị suy giãn tĩnh mạch chân, cần mang tất (vớ) y khoa để ngăn chặn sự hình thành cục máu đông ở chân. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về phương pháp này vì một số đối tượng không nên mang vớ y khoa, như những người mắc bệnh tiểu đường hoặc có vấn đề về lưu thông máu.
Thư Anh