Mỹ, Anh và Pháp ngày 14/4 phóng 105 tên lửa vào Syria, phản ứng trước việc Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học với dân thường. Cuộc tấn công không nhằm lật đổ ông Assad hay gây thiệt hại cho các đồng minh của Assad như Nga và Iran. Thực tế, chúng đã được lập kế hoạch và thực hiện tỉ mỉ để tránh có tác động đến cuộc chiến và khiến Mỹ không bị lún sâu vào căng thẳng, theo NYTimes.
Ba các mục tiêu mà liên quân chọn đều là những cơ sở được cho là liên quan tới vũ khí hóa học. Các căn cứ quân sự quan trọng của Syria cũng như Phủ Tổng thống ở thủ đô Damascus không bị tấn công. Mỹ cũng xác nhận họ đã chọn lựa mục tiêu cẩn thận để tránh các lực lượng Nga ở Syria bị liên quan. Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng mục đích của họ chỉ là tác động đến khả năng dùng vũ khí hóa học của chính quyền Syria.
Bất kỳ sự can thiệp mạnh mẽ nào của Mỹ và các đồng minh cũng sẽ làm cuộc chiến thêm ác liệt và có thể kéo dài xung đột, khiến nhiều người thiệt mạng và di tản. Vì vậy, phương Tây không muốn có động thái làm tình hình thêm phức tạp, chuyên gia của CNN Nick Paton Walsh nhận xét.
"Vụ tấn công không nhằm mục đích thay đổi cán cân quyền lực ở Syria", Zalmay Khalilzad, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói.
Các phe trong cuộc chiến Syria. Video: CNN.
Trong khi một số chuyên gia nói đòn không kích đã gửi đi thông điệp răn đe đến Assad rằng ông này không thể tiếp tục dùng vũ khí hóa học, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng cuộc tấn công bị coi là "phản ứng quân sự yếu kém" và Assad chỉ phải trả một cái giá thấp. "Assad có thể cho rằng đòn tấn công giới hạn của Mỹ chẳng bõ bèn gì", bà nói.
Phe đối lập ở Syria bày tỏ sự thất vọng về hành động của phương Tây. "Cuộc tấn công của Mỹ không thay đổi bất cứ điều gì cho Syria", Osama Shoghari, một nhà hoạt động chống chính phủ từng sống tại Douma, bình luận.
Syria và Nga đã bác bỏ cáo buộc dùng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng ở Douma. Iran giải thích rằng quân chính phủ Syria đang chiếm thế thượng phong trên chiến trường nên việc họ phải dùng đến vũ khí hóa học là phi logic, đặc biệt là khi có thể dễ đoán hành vi đó sẽ vấp phải phản ứng quốc tế. Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, Robert Ford, cho rằng lực lượng của Assad dùng loại vũ khí này nhằm có thể dễ dàng chiến thắng mà không bị hao tổn lực lượng. Thanh sát viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học Quốc tế hôm qua bắt đầu điều tra ở Douma về cáo buộc này.
Cây bút Paul Sonne của Washington Post nhận xét Mỹ dường như đã từ bỏ mục tiêu yêu cầu Assad phải rời ghế khi cuộc chiến đã kéo dài đến 7 năm. Trump nhiều lần nhấn mạnh ông muốn rút quân khỏi Syria càng sớm càng tốt. Nếu Mỹ làm vậy, động thái đó có thể mở đường để Assad củng cố vị thế trong nước.
Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại Syria và đồng minh có thể trả đũa Mỹ. Họ cho rằng phiến quân do Iran hậu thuẫn có thể gia tăng tấn công vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông hoặc phản ứng bằng những cách khác như tấn công mạng.
Tuy nhiên, theo Kenneth M. Pollack, cựu chuyên gia phân tích của CIA, Syria và Iran sẽ không trả đũa vì họ đang mong mỏi Trump sẽ giữ lời hứa sẽ rút quân. Họ không muốn gây ra bất kỳ hành động nào có thể khiến Trump muốn giữ quân tại Syria lâu dài.
Dù đưa ra những lời chỉ trích gay gắt, Nga cũng được cho là sẽ không có phản ứng quân sự vì họ không chịu tổn thất trong vụ tấn công. "Mọi người đều cho rằng phản ứng quân sự từ Nga là điều không thể xảy ra. Viễn cảnh đó rất nguy hiểm và có thể phản tác dụng", Alexei Malashenko, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đối thoại Văn minh ở Moskva, nói.
Pollack nhận xét cuộc tấn công Syria chỉ có tác dụng khiến "người Mỹ thấy thoải mái". "Nó khiến công chúng Mỹ nghĩ rằng họ đã làm được điều gì đó để giúp người Syria. Nhưng không, 500.000 người đã chết và chúng ta chẳng làm được gì cả", ông nói.
Ngay sau khi thông báo về cuộc không kích, Trump cũng đã vạch ra cái nhìn ảm đạm về khả năng của Mỹ trong việc tạo ra thay đổi ở Trung Đông. "Không máu hay của cải nào của người Mỹ có thể tạo ra hòa bình và an ninh lâu dài cho Trung Đông, ông nói. "Đó là một nơi rất hỗn loạn. Chúng tôi sẽ cố gắng làm nó tốt hơn, nhưng nó rất phức tạp".
Phương Vũ